Kết thúc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII: Bám sát thực tiễn, kịp thời đề ra các giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội

21/11/2008

ND - Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn cùng những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, những quyết sách đúng đắn, kịp thời tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và những năm tiếp theo.

Sau gần một tháng làm việc với tinh thần đổi mới và trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XII đã hoàn thành tốt đẹp.

Sôi động và thiết thực

Kỳ họp đã để lại ấn tượng về một QH bám sát thực tiễn cuộc sống với hàng nghìn lượt ý kiến tại 26 ngày họp, trong đó có 307 chất vấn bằng văn bản của 131 vị đại biểu thuộc 50 đoàn và 129 lượt ý kiến chất vấn trao đổi tại hội trường, nhiều nhất trong các kỳ họp QH. Ðiều đó nói lên quy mô, mức độ quan tâm của các đại biểu với thực tế cuộc sống xã hội và đời sống dân sinh. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét, đây là "một kỳ chất vấn tương đối sôi động, hấp dẫn và có hiệu quả thiết thực".

Nhiều vấn đề bức xúc, quan trọng của đất nước đã được đại biểu đề cập thẳng thắn, tập trung như tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện tượng nhập siêu; công tác điều hành xuất khẩu gạo, việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, chất lượng giáo dục, quá tải trong khám chữa bệnh, y tế dự phòng... Nội dung các chất vấn thể hiện trúng những vấn đề thời sự bức xúc, nóng hổi từ thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh những vấn đề rất cụ thể, các đại biểu đã quan tâm nhiều đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã thẳng thắn thừa nhận hạn chế, yếu kém của ngành mình, đồng thời thấy rõ trách nhiệm cá nhân.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến theo hướng chỉ tập trung vào một số nhóm vấn đề nổi cộm; mạch lạc và thiết thực; đối thoại và tranh luận; dân chủ và thẳng thắn... Với tinh thần đó, hầu hết các câu hỏi và trả lời đã đi đúng trọng tâm, ngắn gọn, có trao đi đổi lại, tranh luận liên tục và sôi nổi với sự tham gia của nhiều vị bộ trưởng vào cùng một vấn đề, giúp nhận thức sâu hơn thực chất, hiểu rõ hơn nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm triển khai tốt hơn các Nghị quyết của Ðảng và của QH.

Dành trọn một buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình về một số tình hình và những yêu cầu mới cần tập trung chỉ đạo điều hành; một số nội dung được nhiều vị đại biểu Q.H quan tâm, chất vấn. Với thái độ thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm, bản báo cáo giải trình của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thông tin về những tình hình mới nhất trong thực hiện Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, mà còn làm rõ thêm một số vấn đề cử tri quan tâm, nổi bật là những cam kết trợ giúp cho nông dân.

Trong phiên bế mạc, lần đầu tiên, QH đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, yêu cầu các thành viên Chính phủ có biện pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện hiệu quả những vấn đề đã hứa. Theo nghị quyết, thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết những vấn đề đã được đại biểu chất vấn và Chủ tịch QH kết luận. Ðây sẽ là cơ sở tạo ra sự chuyển biến trong thực tiễn, bởi mọi hoạt động chất vấn, giám sát hay xây dựng luật... đều hướng tới mục đích thúc đẩy thực tiễn phát triển, điều mà các đại biểu QH cũng như cử tri và nhân dân cả nước luôn quan tâm, lưu ý.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Với thời gian làm việc được rút gọn một phần ba so với các kỳ họp cuối năm khác, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII đã tập trung hoàn thành nhiều nội dung lớn. QH đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2008; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; đồng thời dành nhiều thời gian để tiến hành công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Sau những tranh luận và trao đổi thẳng thắn mang tính xây dựng cao, QH quyết định mục tiêu tổng quát cho năm 2009 là: Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất về 10 nhóm giải pháp cần tích cực triển khai trong thời gian tới. Việc QH thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 15% thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri trên cơ sở thực tiễn tình hình trong nước và thế giới.

QH cũng đã xem xét và thông qua tám dự án luật, đó là: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức; Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công nghệ cao; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Ða dạng sinh học; cho ý kiến về sáu dự án luật khác, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðặc biệt, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường, đã được QH thảo luận, xem xét thấu đáo các nội dung liên quan và thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành khá tập trung. Ðây là một quyết định có ý nghĩa rất quan trọng nhằm từng bước thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính quyền các cấp theo hướng bảo đảm tổ chức của bộ máy Nhà nước ngày càng tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Ðối với nội dung thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cấp xã, Ủy ban Thường vụ QH xin QH cho được tiếp tục nghiên cứu và chưa thực hiện ngay và sẽ có báo cáo QH xem xét, quyết định vào một thời gian thích hợp. Bên cạnh đó, để bảo đảm đồng bộ, phù hợp thời gian với việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XII, QH đã ra Nghị quyết về việc kéo dài nhiệm kỳ 2004-2009 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đến năm 2011.

Cũng tại kỳ họp này, nhiều cải tiến trong công tác tổ chức như: bố trí thời điểm hợp lý để tiến hành phiên họp trù bị và trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; ghép các nội dung gần nhau hoặc liên quan đến nhau theo nhóm vấn đề để thảo luận; bảo đảm sự gắn kết giữa thảo luận tổ với thảo luận ở Hội trường... đã góp phần rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng các nội dung.

Ðổi mới cũng được thể hiện từ khâu chuẩn bị, xem xét quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; cách trình bày báo cáo và thảo luận thông qua dự án Luật. Và như vậy, việc không ngừng đổi mới phương thức hoạt động cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên thành công của mỗi kỳ họp QH.

 

Quế Ðình Nguyên

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác