Xúc tiến thương mại quốc gia: Còn lạc hậu và lãng phí! (Bài 1)

23/09/2007

TP - Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) thực hiện hằng năm vẫn được Nhà nước tiếp tục rót cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên khá nhiều hoạt động của chương trình này bị coi là không hiệu quả, lạc hậu, gây lãng phí không nhỏ...

Bài I: “Gieo” nửa triệu USD/ năm mà chẳng “gặt hái” gì!

Vì sao DN không mặn mà với TT giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài?

Theo Cục Xúc tiến thương mại, việc thành lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm (TTGTSP) ở nước ngoài là hoạt động XTTM khá mới với Việt Nam.

Trung tâm ở New York thành lập tháng 5/2004 với diện tích 420 m2, Trung tâm ở Dubai ra đời tháng 7/2004, với diện tích 200 m2, chi phí cho 2 trung tâm này khoảng hơn 350.000 USD/ năm.

Tháng 3/2002, Bộ TM (cũ) đề nghị CP và được chấp thuận cho phép thành lập TTGTSP tại Mỹ, Dubai và Nga.

Năm 2006, Cục XTTM lên kế hoạch lập trung tâm thứ 3 tại châu Âu. Ông Nguyễn Đăng Quang-Cục XTTM cho hay, Cục đang chuẩn bị thành lập TTGTSP ở châu Âu, sau đó là ở Hàn Quốc, Indonesia.

Cục XTTM cho rằng, dù làm thí điểm, song hoạt động đưa đại diện DN Việt Nam sang gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Dubai, Mỹ đã diễn ra.

Hơn một trăm lượt DN thuốc lá, thủ công mỹ nghệ, pha lê, cao su, nông lâm thủy sản, giày dép, chè...đã gửi catalog, sản phẩm...trưng bày trong vài năm qua.

Nói thế, song Cục XTTM vẫn giữ kín các báo cáo về hoạt động của TTGTSP với lý do... tế nhị!

Thực ra, hơn 1 năm khai trương, Trung tâm Dubai chỉ có 2 DN lập văn phòng giao dịch, 19 DN gửi catalog và sản phẩm mẫu trưng bày. Trung tâm New York khả dĩ hơn cũng chỉ có 4 DN mở phòng giao dịch, 4 DN trưng bày sản phẩm và 27 DN gửi catalog.

Khi đề cập việc DN tham gia trung tâm sẽ có hiệu quả thế nào, cán bộ của Cục XTTM cố gắng lắm mới chỉ ra được DN duy nhất tự thấy hài lòng khi trưng bày sản phẩm ở Dubai, đó là Tổng Cty Thuốc lá.

Đáng buồn là thuốc lá không phải mặt hàng xuất khẩu chiến lược! Một nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngoài kinh phí “tiền trạm”, các khoản đầu tư ban đầu (hơn 350.000 USD) Nhà nước bao cấp phí lập TTGTSP, hằng năm, trung tâm ở Mỹ và Dubai còn được Bộ Tài chính duyệt cấp cho chi thường xuyên, nghiệp vụ... 440.000 USD.

Chi nhiều tiền cho TTGTSP như thế, song năm 2005, trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 1 DN nước ngoài ghé thăm TTGTSP ở Dubai. Cả nước ta hiện có khoảng 5.000 DN Nhà nước, 120.000 DN vừa và nhỏ.

Vậy mà ba năm qua chỉ có hơn 100 lượt DN/ tham gia (chủ yếu gửi catalog) TTGTSP ở nước ngoài. Thực tế này có nên đánh giá TTGTSP tốn kém này như Cục XTTM là hiệu quả (!?).

Từ năm 2005 đến nay, Cục XTTM vẫn duy trì mức phí thu của DN nếu trưng bày catalog là 4.500 USD/DN/năm; trưng bày sản phẩm là 7.376 USD/ DN năm; DN muốn đặt văn phòng tại TTGTSP thì phải trả đến 27.367 USD. (Từ năm 2006, giá thuê phòng giao dịch: 4.200- 4.800 USD/phòng/năm).

Mức phí này được áp dụng từ năm thứ 2, song Cục vừa ra thông báo thì nhiều DN ngừng ngay việc tham gia trưng bày, dù chỉ là gửi catalog!

Ông Đỗ Thắng Hải-Cục trưởng Cục XTTM khẳng định: TTGTSP ở nước ngoài có đóng góp lớn cho xuất khẩu và là hoạt động XTTM không nhỏ. Còn nội dung trưng bày catalog, sản phẩm cho DN không bao giờ lạc hậu.

Bên cạnh đó, chúng ta  vẫn phải làm thương mại điện tử. Dù mới chỉ có hơn 100 DN tham gia TTGTSP ở nước ngoài nhưng đó là số lượng tốt, bởi nó tập trung ở một số mặt hàng có thế mạnh: Thủ công mỹ nghệ, may mặc, cà phê, thủy sản..., nếu trung tâm dành cho tất cả DN thì sẽ là cào bằng.

Ông Hải cũng cho biết, việc các DN ngừng tham gia trưng bày khi được thông báo giá dịch vụ cần được nhìn nhận ở 2 lý do: DN của Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, khi đầu tư thường đòi  hiệu quả ngay, ít có DN nào có tầm nhìn xa. Cho không thì DN nhận ngay, ngừng bao cấp thì họ hết  mặn mà. 

Ông Hải khẳng định: Hiện nay, chúng ta đang XTTM như các nước. Hỗ trợ của Nhà nước đối với DN thông qua XTTM là biện pháp hữu hiệu nhất khi Việt Nam đã là thành viên WTO. “Chúng tôi luôn xác định rằng, Nhà nước chỉ tạo ra môi trường, còn DN phải tự XTTM”- Ông Hải nói.

Phản ứng của các chuyên gia?

Tại hội nghị XTTM quốc gia diễn ra hồi tháng 6/2007, các hoạt động yếu kém được nhắc đến nhưng lại ít bàn đến biện pháp khắc phục. Theo các chuyên gia, Chương trình XTTM quốc gia có không ít hoạt động, nặng tính bao cấp. Xây dựng thương hiệu quốc gia là ví dụ về sự lãng phí, nhiều DN, Hiệp hội không đồng tình.

Còn TTGTSP thì có thêm biểu hiện chệch hướng. Ông Đoàn Triệu Nhạn- Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao cho rằng, các DN cà phê - ca cao có nhu cầu XTTM của DN cà phê vào thị trường Nga và Trung Quốc nhiều hơn Mỹ và Dubai.

Quanh hoạt động tổ chức các đoàn khảo sát thị trường ở nước ngoài, ông Nhạn nói: Tôi nghi ngờ hiệu quả các chuyến đi này. Một số đoàn đi gặp người nước ngoài chào hỏi một vài câu, trao đổi card visit, catalog..., kết quả mang lại thường là con số không!

Đơn giản vì hợp đồng ký kết phải qua giai đoạn tìm hiểu cụ thể, một lần gặp không thể khiến đối tác ký kết được. Rất nhiều người biến chuyến đi XTTM ra nước ngoài thành đi du lịch, tham quan.

Ông Nguyễn Long Trì -người phát ngôn của Bộ Thủy sản (cũ) từng cho rằng TTGTSP mà Cục XTTM đã xây dựng không có hiệu quả đối với các DN thủy sản, vì mặt hàng chiến lược của xuất khẩu Việt Nam này không thể qua trưng bày catalog mà thu hút được DN nước ngoài...

PGS-TS Nguyễn Văn Nam-nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại than rằng: “Dự án TTGTSPVN cũng như nhiều dự án khác không được đưa ra phản biện về hiệu quả bởi các chuyên gia nên chất lượng thực hiện thấp là dễ hiểu.

Lập TTGTSP ở nước ngoài không quá sai, song phương thức thực hiện lệch lạc. Không nên mang hàng hoá, catalog sang trưng bày ở nơi mà văn minh bán hàng đã đạt đến đỉnh cao, nhất là khi internet đã phát triển phạm vi toàn cầu”.

-----------

(Còn nữa)

 

Quyền Thành

(http://www.tienphong.vn)