Giải pháp chống ùn tắc giao thông: Có mang tính khả thi?

01/01/2008

(LĐ) - Mới đây, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án về những nhóm giải pháp nhằm hạn chế nạn ùn tắc giao thông ở hai TP lớn Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, những giải pháp mà bộ đưa ra có thể thấy vẫn chỉ nặng về cấm, chưa mang tính thuyết phục, khiến dư luận khó đồng tình.

Báo Lao Động nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, hy vọng Bộ GTVT sẽ có biện pháp hợp lòng dân.

Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc đường ở hai TP lớn hiện nay xuất phát từ hạ tầng đô thị kém, quy hoạch chưa hợp lý, quỹ đất dành cho giao thông thấp như ở HN mới chỉ 2-3%, TPHCM 4,5% trong khi yêu cầu phải từ 20-30%. Bộ GTVT cho rằng, lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhiều nên phải đưa ra biện pháp tăng phí trước bạ và phí giao thông mới, quy định việc thu phí người sử dụng phương tiện cá nhân trong cả nước mức thu xe ôtô dưới 10 chỗ phải nộp 10 triệu/năm và 15 triệu cho lần đăng ký; xe máy phải nộp từ 200 - 500 nghìn/năm và 1 triệu cho lần đăng ký.

Biện pháp này nhằm đánh vào phí giao thông để hạn chế xe máy, phương tiện giao thông cá nhân giảm ùn tắc tại các TP lớn xem ra không có sự hợp lý. Bởi với hệ thống mạng lưới phương tiện giao thông công cộng ở TP lớn hiện nay mới chỉ có xe buýt, chưa thể đáp ứng được nhiều cho việc đi lại của người dân, nên việc phải sử dụng phương tiện cá nhân là nhu cầu tất yếu.

Còn nếu tăng phí giao thông thì liệu Bộ GTVT có chắc chắn khẳng định rằng phương tiện cá nhân sẽ giảm, khi mà hàng ngày mọi người vẫn phải đi làm, đến cơ quan, công sở, trường học, cùng các công việc khác... bằng chính phương tiện ấy.

Bộ GTVT cho rằng là phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt đến 2010 đáp ứng 20-30% nhu cầu đi lại của người dân, đến tháng 4.2008 sẽ miễn phí vé xe buýt cho mọi đối tượng đi xe buýt trên các tuyến tại HN, TPHCM. Đây là tin vui với những người đang đi xe buýt hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhưng liệu nó có thu hút được đông đảo người dân cùng đi. Bạn Nguyễn Thành Nhơn (SV Trường ĐH Dược) cho biết: "Đi xe buýt tiết kiệm thật, nhưng vào giờ tan tầm lúc nào cũng phải chen chúc xô đẩy. Xe đông bỏ bến, nhỡ xe muộn học là chuyện thường ngày, lại còn thái độ kiểu "ban ơn" của không ít nhà xe".

Cơ sở hạ tầng ở hai đô thị lớn cũng chưa đáp ứng được để mạng lưới xe buýt phát triển. Ở HN mới duy nhất chỉ có tuyến đường Nguyễn Trãi có làn đường dành riêng cho xe buýt. Trong khi các tuyến phố khác nhìn chung đều nhỏ hẹp, giao cắt nhiều. Việc chỉ phát triển về mặt số lượng xe buýt, mà hạ tầng không theo kịp e rằng còn rơi vào bế tắc hơn.

Một giải pháp khác được đưa ra là nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù nhằm hạn chế nhập cư vào hai TP lớn. Phải chăng đây là giải pháp tột cùng cho sự bế tắc, phải trút gánh nặng lên bờ vai người dân, để Nhà nước dễ quản lý.

Muốn giải quyết nạn ùn tắc phải nhìn vào các gốc của vấn đề. Quan trọng hơn, cần có một tầm chiến lược cho việc phát triển giao thông đô thị, nó giống như mặc chiếc áo cho một cơ thể, khi cơ thể lớn mạnh, cần thay chiếc áo mới cho phù hợp, chứ không thể kìm hãm sự phát triển của cơ thể với chiếc áo chật chội được.

Lương Kết

(http://www.laodong.com.vn/)