Hàng hóa nhiều, giá tăng

11/02/2008

ND - Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, hàng hóa phục vụ thị trường Tết Mậu Tý năm nay dồi dào, nhưng giá hầu hết đều tăng.

Sức mua tăng cao

 

Tết năm nay nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng cao, mức tăng khoảng 30% so với các tháng bình thường và tăng 20% so với Tết Ðinh Hợi. Ngay từ giữa tháng 1-2008, thị trường hàng hóa dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, từ 23 đến 30 tháng chạp, thị trường càng náo nhiệt, không khí mua bán diễn ra sôi động; sức mua tăng nhanh và mạnh trên khắp các vùng, miền trên cả nước. Khu vực thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ xã hội tháng 1, tháng áp Tết đạt 75,9 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, riêng hai thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đạt 24,4 tỷ đồng, chiếm 32,1% tổng mức bán lẻ của cả nước và tăng 27,8%. Sau Tết, từ ngày mồng 3 (tức ngày 9-2) nhiều chợ, siêu thị trong cả nước đã bắt đầu hoạt động trở lại, cung cầu hàng hóa dịch vụ diễn ra bình thường, sức mua nhiều loại hàng hóa dịch vụ giảm mạnh.

 

Theo báo cáo nhanh của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thị trường Tết năm nay không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, nhưng giá hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ đều tăng. Ðây là sự vận động mang tính quy luật của giá cả trong tháng Tết hàng năm, hoạt động của thị trường có một số đặc điểm sau:

 

Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức phong phú,  mẫu  mã đẹp.

 

Nhiều loại hàng hóa chế biến sẵn, các gói quà Tết tiện lợi cho người tiêu dùng được tiêu thụ mạnh. Cung-cầu các loại hàng hóa dịch vụ cơ bản bảo đảm cân bằng. Hàng hóa lưu thông thông suốt, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện giao thông không thuận lợi. Các doanh nghiệp kinh doanh tổ chức nhiều phương thức bán hàng phong phú, hấp dẫn, tăng thêm mạng lưới, mở rộng diện tích bán hàng, cạnh tranh tích cực, thu hút người tiêu dùng.

 

Ngành vận tải đã huy động và bố trí tăng đầu phương tiện, tổ chức tốt dịch vụ vận chuyển, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Thị trường du lịch Tết năm nay cũng diễn ra sôi động: các tour du lịch nước ngoài đến Hồng Công, Thái-lan, Malaysia, Singapore và các tour du lịch trong nước đến Nha Trang, Ðà Lạt, Phú Quốc... của các hãng lữ hành đều được đăng ký hết chỗ.

 

Qua kiểm tra các cơ quan chức năng đã phát hiện: thị trường xuất hiện việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là rượu ngoại, thuốc lá; nhiều loại hàng nhái nhãn mác nước ngoài lừa dối người tiêu dùng. Trong tháng giáp Tết, ngành hải quan đã kiểm tra, bắt giữ 1.355 vụ, trị giá 24 tỷ 358 triệu đồng. Trong đó: buôn lậu, vận chuyển trái phép 188 vụ, gian lận thương mại 56 vụ, bắt giữ 675 kg pháo lậu... Thành phố Ðà Nẵng kiểm tra 275 vụ, phát hiện 247 vụ vi phạm. Lào Cai bắt giữ 1.000 cây pháo hoa, 6.000 quả pháo nổ vận chuyển trái phép.

 

Lượng người đến mua hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng tăng, mức tăng 150% đến 200% so với ngày thường, thời điểm cận Tết tăng lên tới 300%. Một số siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa phục vụ đến sát giao thừa và hoạt động trở lại vào ngày mồng 3 Tết đã đáp ứng yêu cầu về sức mua tăng cao của người tiêu dùng.

 

Theo diễn biến của thị trường, giá hàng hóa dịch vụ bắt đầu tăng dần từ tháng trước Tết. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 2,38%, tăng gấp đôi so với tốc độ tăng của tháng 1 năm trước. Hầu hết các nhóm hàng giá đều tăng. Trong đó loại hàng có chỉ số tăng cao nhất là lương thực 3,35%, thực phẩm tăng 3,75%. Các mặt hàng thủy hải sản, như: tôm sú, cá mực, cá thu, cùng các loại cá đồng tăng khoảng 10% đến 15% so với ngày thường; các mặt hàng trái cây tăng 10% đến 15%; rượu, bia, nước giải khát tăng 15% đến 20%; giá các loại hoa Tết tăng cao hơn năm trước 20% đến 30%. Nhiều loại hàng điện tử bán chạy, giá tăng. Ðáng chú ý là các loại máy sưởi ấm chống lạnh bán chạy, giá tăng 1,5 đến 2 lần. Giá cước vận tải hành khách đường bộ ở các đầu mối phát luồng tăng.

 

Tại TP Hồ Chí Minh: các doanh nghiệp vận tải ô-tô phụ thu giá vé chiều đi 60% (từ ngày 23 đến 30 tháng chạp) để bù chiều chạy không. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải tăng giá vé lên khoảng 10%, trong đó giá vé đường ngắn tăng thêm từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Năm nay, tỷ giá USD/VNÐ có xu hướng giảm so với cuối năm trước và dao động ở mức 16.020 đến 16.050đồng/ USD. Giá vàng tháng 1-2008 tăng phổ biến từ 110.000 đến 120.000đồng/chỉ so với cuối năm 2007 và đạt mức 1.767.000 đồng/chỉ mua vào và 1.777.000 đồng /chỉ bán ra.

 

Ngày mồng 3 Tết, giá hàng hóa ở một số siêu thị và chợ như thịt lợn đứng ở mức cao; giá một số loại rau tươi tăng khoảng 5%; giá hoa tươi giảm có loại giảm 20% đến 30%...

 

Nguyên nhân tăng giá và biện pháp bình ổn

 

Năm nay do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng cao, sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng mạnh, thông qua chủ trương tăng lương tối thiểu của Nhà nước; kiều hối chuyển về nhiều; khách du lịch nước ngoài tăng khoảng 17%; Việt kiều về quê ăn Tết tăng khoảng 30% so với năm trước... làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá lên. Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng.

 

Tuy giá hàng hóa dịch vụ có tăng, nhưng không xảy ra cơn sốt giá đột biến do Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp triển khai sớm công tác chỉ đạo bình ổn giá trong dịp Tết.

 

Sau khi Thủ tướng có Chỉ thị số 23/2007/CT-TTg ngày 30-10-2007 tăng cường thực hiện các giải pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2007 và phục vụ Tết Mậu Tý 2008; các bộ, ngành đều có những chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị trong ngành. UBND nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các chỉ thị về bình ổn giá trong dịp Tết, giao nhiệm vụ cho các ngành có biện pháp cụ thể không để xảy ra mất cân đối cung-cầu hàng hóa dịch vụ; thành lập các đoàn kiểm tra tăng cường kiểm soát thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, kiểm soát việc chấp hành kỷ luật giá của Nhà nước.

 

UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các siêu thị, các doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ vốn phối hợp các nhà cung cấp cam kết bình ổn giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, đông lạnh... thực hiện bán hàng với giá rẻ hơn thị trường từ 3% đến 5%; tạo điều kiện cho các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng.

 

Nhiều tỉnh, thành phố xuất ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp được lựa chọn vay không lãi suất để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Có tám tỉnh, thành phố tạm ứng ngân sách địa phương tăng vốn cho các đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa, trong đó Hà Nội 50 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 400 tỷ đồng, Ðồng Nai 11,8 tỷ đồng, Bình Thuận 4 tỷ đồng, Bắc Ninh 3 tỷ đồng... Có sáu tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa gồm Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Bình Ðịnh. 50 tỉnh, thành phố khác đã tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hầu hết các địa phương đã triển khai tốt việc chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết.

 

Theo Bộ Công thương, Tổng công ty lương thực miền nam chuẩn bị 750 tấn gạo, mì, bánh các loại; Tổng công ty chè chuẩn bị 170 tấn chè; Tổng công ty mía đường I dự trữ 26 nghìn tấn đường, bánh kẹo các loại, 577 nghìn lít bia, rượu; Tổng công ty rau quả chuẩn bị 2.600 tấn nước quả các loại, đồ hộp  chế biến, rau quả sấy chiên, 20 tấn rau an toàn...

 

Các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Hà Nội chuẩn bị đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết, với tổng số tiền hàng khoảng 400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Các cơ sở giết mổ lớn dự trữ cung ứng ra thị trường 360 tấn thịt lợn, 260 tấn gia cầm và 1 triệu quả trứng gà. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác cũng chuẩn bị được khoảng 1.500 tấn thịt trâu bò, 7.000-8.000 tấn thịt lợn, 2.000 tấn thịt gia cầm, 4.000 tấn thủy hải sản, 40 nghìn tấn rau củ quả... Ngành thương nghiệp các tỉnh, thành phố cũng chủ động chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ Tết với trị giá hàng trăm tỷ đồng.

 

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số chính sách tiền tệ linh hoạt ngay từ tháng 1 để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý như: điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng tăng thêm 1% so với trước. Thực hiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước đồng thời bán ngoại tệ để thực hiện chính sách tỷ giá. Giữ ổn định lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu không thay đổi so với cuối năm 2007...

 

Giữ ổn định giá một số vật tư hàng hóa cơ bản là đầu vào của nền kinh tế, như : điện, than, xăng dầu, nước sạch, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt, hàng không, giảm giá cước viễn thông...

 

Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND các tỉnh đã có chính sách cụ thể hỗ trợ tiền ăn Tết, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn và những người nghèo... Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận thuế ; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá cũng được chú trọng. Nhiều tỉnh, thành phố lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm soát thị trường, kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá trong dịp Tết, ngăn chặn các hành vi gian lận làm thiệt hại lợi ích người tiêu dùng.

 

 

Nguyễn Tiến Thỏa

(http://www.nhandan.com.vn)