Sẽ phải trả giá nếu chính sách thu hút FDI quá dễ dãi

20/05/2008

Thành tựu của thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đóng góp rất lớn trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế đất nước. Song hiện nay thu hút FDI đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng.

Báo NĐBND đã trao đổi với PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TP HỒ CHÍ MINH TRẦN DU LỊCH

PV: Ông đánh giá như thế nào về chính sách thu hút FDI của nước ta hiện nay?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Trước hết cần khẳng định chính sách mở cửa thị trường đầu tư, thu hút FDI của nước ta từ năm 1998 đến nay là hoàn toàn đúng đắn. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Những thành tựu về KT - XH trong 20 năm qua có sự đóng góp quan trọng FDI. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề liên quan đến FDI cần phải bàn thêm, nhưng cần khẳng định tầm quan trọng và không thể thiếu vai trò của FDI trong quá trình CNH - HĐH nền kinh tế đất nước.

PV: Ấn tượng nhất trong 20 năm thu hút FDI, có lẽ là sự gia tăng đột biến về số vốn đăng ký từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa bao giờ nước ta đứng trước cơ hội thuận lợi như hiện nay trong việc thu hút FDI với hàng chục dự án có số vốn hàng tỷ USD đang được chờ cấp phép. Tuy nhiên, câu chuyện về FDI không chỉ đơn thuần là một bức tranh màu hồng, thưa Ông?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Sự gia tăng đột biến nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư trong năm 2006 - 2007 và 4 tháng đầu năm nay cho thấy kết quả bước đầu của đường lối hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Mặt khác, cũng thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI tôi cho rằng có 4 vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, thu hút FDI vào lĩnh vực nào, địa bàn nào cần chủ động dựa vào quy hoạch và mục tiêu phát triển, chứ không phải bị động như trong nhiều năm qua; Thứ hai , thu hút FDI phải hướng đến mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế nước ta chuyển từ tính chất của một nền kinh tế gia công sang nền kinh tế sản xuất, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản xuất  (trong 15 năm qua chúng ta đã không thành công trong việc thu hút FDI vào ngàng công nghiệp ô tô là một điển hình); Thứ ba, nâng tỷ trọng vốn FDI thực tế triển khai thực hiện hàng năm so với tổng vốn đăng ký. Hiện nay, tỷ trọng này còn khá thấp, ở nhiều địa bàn chưa đến 20%, nhất là các dự án đầu tư vào bất động sản (đăng ký dự án để giữ đất, khi có cơ hội chuyển nhượng lại); Thứ tư, tình trạng “chuyển giá” trong quá trình đầu tư triển khai dự án và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI nhằm trốn thuế và ép đối tác trong nước là mặt tiêu cực cần sớm khắc phục.

PV: Việc theo đuổi chính sách khuyến khích FDI và coi trọng chất lượng FDI luôn là hai mặt có quan hệ hữu cơ của thể chế và chính sách. Trong điều kiện hoạt động đầu tư trong nước đang gia tăng nhanh chóng thì việc lựa chọn dự án FDI cần phải bảo đảm hiệu quả KT- XH  trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Và có lẽ rằng, chúng ta không chỉ nên quá “tự hào” với số vốn đăng ký FDI mà cần phải quan tâm đến số vốn thực chất thực hiện cũng như thực trạng ngày càng doãng ra giữa hai con số này. Quan điểm của Ông về vấn đề này là như thế nào?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Tôi đồng tình với quan điểm này. Xin nói thêm là muốn có các dự án FDI tốt sẽ phải cạnh tranh, chứ không thể ngồi chờ người ta mang “của tốt” đến cho mình. Dòng FDI toàn cầu luôn luôn có giới hạn và cạnh tranh của nhiều quốc gia. So với nhiều nước lân cận, dòng FDI thu hút vào nước ta trong thời gian qua còn rất ít. Tập đoàn công nghiệp đa quôæc gia quy mô lớn đêæn với ta còn ít. Hiện đa phần vẫn là các xưởng gia công, tận dụng lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm xuất khẩu nhỏ.

PV: Nhưng thực tế là cũng rất khó để thu hút các dự án FDI bảo đảm hiệu quả KT- XH  trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực khi mà hiện hầu hết các địa phương đều theo đuổi chính sách thu hút FDI bằng mọi giá? 

ĐB TRẦN DU LỊCH: Sự nỗ lực của nhiều địa phương để thu hút mạnh vốn FDI đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Điều đó là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đã đến lúc cần chấm dứt thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Hiện nay, ở nhiều nơi đang phải trả giá cho việc thu hút FDI quá dễ dãi trong các năm trước. Không ít nhà đầu tư lạm dụng chính sách ưu đãi đất đai để chiếm đất bỏ hoang hoặc chờ cơ hội để chuyển nhượng dự án hưởng chênh lệch giá.

PV: Thời gian vừa qua, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thẳng thắn từ chối một số dự án được cho không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, môi trường của địa phương. Quyết định này nói lên điều gì, thưa Ông?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Tôi được biết không chỉ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mà còn nhiều địa phương khác cũng từ chối dự án FDI, nhất là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đây là xu hướng tích cực, những để tích cực hơn các địa phương cần dựa trên nội dung quy hoạch phát triển KT - XH để lựa chọn dự án FDI, chủ động đưa dự án để chào mời đầu tư.

PV: Nhìn từ thực tế có thể thấy rằng thu hút FDI luôn có tính chất hai mặt. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hiện nay dường như mới chủ yếu tạo thuận lợi và đem lại nhiều lợi cho các nhà đầu tư?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Nếu nhìn lại 20 năm qua, những thay đổi sâu sắc bức tranh KT - XH của nước ta, trong đó hiện lên khá rõ dấu ấn của các dự án FDI. Cũng không phải dự án FDI nào cũng chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, mà thường là cộng đồng lợi ích. Nếu đứng ở giác độ nhà đầu tư nước ngoài, thì họ cũng “truân chuyên”, với một “rừng” thủ tục hành chính, vất vả với sự thay đổi và thiếu đồng bộ của nhiều chính sách kinh tế. Do vậy, chúng ta cần nhìn cả 2 phía là nhà đầu tư nước ngòai và nước tiếp nhận. Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình ở khía cạnh, vì mong muốn có nhiều dự án đầu tư, nên trong nhiều năm chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng và hiệu quả KT - XH của dự án đầu tư. Nói cụ thể là đặt cái được và cái mất trên một bàn cân để cân nhắc nghiêm túc.

PV: Trong thực tế có nhiều dự án khi triển khai đã phải thu hồi diện tích lớn đất nông nghiệp nhưng nông dân đang là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, ít được thụ hưởng các thành quả do thu hút FDI đem lại. Theo thống kê, nông dân - đối tượng đông nhất trong xã hội nhưng có tới trên 83% lao động ở khu vực này chưa qua đào tạo, điều đó khiến cho nền kinh tế phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Đây là một vấn đề KT - XH lớn đang đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta. Quá trình này tất yếu làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp chuyển sang mục tiêu sử dụng phi nông nghiệp, nên buộc một bộ phận nông dân phải “ly nông”. Tuy nhiên, hiện nay diễn ra tình hình là một bộ phận nông dân mất đất, nhưng không được chuẩn bị nghề nghiệp để làm các ngành nghề phi nông nghiệp, nên rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm bợ thiếu ổn định. Do đó, để giải quyết tình hình này cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề nghiệp và việc làm cho nông dân trong các dự án thu hồi đất, chứ không thể chỉ nghĩ đến việc trả tiền bồi thường, dù trả theo giá thị trường. Tôi đề nghị Chính phủ cần quy định chặt chẽ điều kiện thu hồi đất nông nghiệp trong dự án đầu tư là phải có phương án khả thi giải quyết việc làm cho người nông dân mất đất.

PV: Rõ ràng là một chính sách thu hút FDI sẽ không thực hiện một cách hài hoà và không đầy đủ nếu chỉ thiên về lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đến khía cạnh xã hội?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Như đã nói ở trên, không thể thu hút FDI bằng bất cứ giá nào, mà cần gắn với mục tiêu phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Hiện nay, nền kinh tế nước ta vâén là nền kinh tế nông nghiệp, xét ở khía cạnh cơ cấu lao động và dân sô ở nông thôn, nên cần đặt nông dân vào vị trí tương xứng trong chính sách kinh tế nói chung và thu hút FDI nói riêng. Sau hơn 20 năm thu hút FDI, chúng ta cần có sự tổng kết đánh giá những kết quả đã mang lại cho nông dân, những vấn đề còn tồn tại, bất cập để hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng những thành quả trong quá trình mở cửa thị trường đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Dưới góc độ lập pháp, để giải quyết những xung đột hiện nay trong vấn đề tam nông (nông nghiệp- nông thôn - nông dân), theo Ông, QH cần có quyết đáp như thế nào?

ĐB TRẦN DU LỊCH: Giải quyết thành công vấn đề “tam nông” luôn luôn là thách thức trong bài toán phát triển đối với mọi quốc gia trong suốt quá trình công nghiệp hóa. Dưới giác độ lập pháp, tôi cho rằng, trước hết cần nghiên cứu lồng các chính sách xã hội trong các đạo luật về kinh tế như các Luật thuế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư... Quốc hội cần sớm ban hành Luật về quy hoạch và kế hoạch, trong đó cần chế định các điều kiện chặt chẽ về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quyền lợi của người dân ở các vùng quy hoạch, nhất là đô thị hóa các địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan đến “tam nông” để tạo sự đồng bộ trong thực thi. Tôi nhận thức rằng, trong quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, bài toán phát triển khó nhất vẫn là bài toán “tam nông”, nên cần phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa.

PV: Xin cám ơn Đại biểu!

 

NGỌC TUẤN thực hiện

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)