Trăn trở gói kích cầu sao cho đúng mục tiêu, hiệu quả

02/11/2009

Nếu không “kích” đúng địa chỉ thì không những không kích thích được nền kinh tế tăng trưởng, mà còn để lại hệ lụy khôn lường…

(VOV) - Tuần qua, tại  kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII dành nhiều thời gian để thảo luận tình hình kinh tế- xã hội năm 2009; triển khai nhiệm vụ và ngân sách Nhà nước năm 2010. Trong đó, vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là làm gì để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế và cải thiện an sinh xã hội? Và dòng vốn kích cầu có hướng đúng mục tiêu và hiệu quả hay không? Gói kích cầu kinh tế, với hơn 145.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra là một số tiền rất lớn. Đánh giá tổng thể chung của Quốc hội và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước là gói kích cầu đã phát huy tác dụng. Thực tế là chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam không ngừng tăng lên từ đầu năm đến nay; quý II tăng hơn quý I, quý III tăng hơn quý II và dự kiến quý IV sẽ tăng hơn các quý còn lại. Và như vậy, GDP trong năm nay sẽ đạt mức 5,2%.

 

Thế nhưng câu chuyện về gói kích cầu vẫn khiến nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri băn khoăn trăn trở. Đó là: dòng vốn kích cầu có hướng đúng mục tiêu hay không? Và làm sao để gói kích cầu thứ hai phát huy hiệu quả? Theo ý kiến đa số thì gói kích cầu của Chính phủ triển khai trong thời gian qua là một biểu hiện cụ thể, rõ ràng của sự phản ứng chính sách rất quyết đoán, chính xác, đúng thời điểm của bộ máy hành pháp. Đó cũng là một bước tiến quan trọng trong lãnh đạo điều hành kinh tế, xã hội của Đảng và Chính phủ. Kết quả đem lại cơ bản có tác dụng tích cực cho nền kinh tế, được dư luận thừa nhận. Song mặt còn hạn chế của nó không ít. Bởi dường như số tiền rất lớn bỏ ra mới tập trung chủ yếu vào “kích cung” chứ không hoàn toàn vào “kích cầu”. Trong hơn 400.000 doanh nghiệp chỉ có khoảng 20% được hỗ trợ. Cùng một môi trường kinh doanh mà người được hỗ trợ, người không, là thiếu bình đẳng.

 

Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu QH thành phố Hải Phòng, khi tìm hiểu thực tế triển khai gói kích cầu ở địa phương cho biết: tiền có đến được với nông dân, hỗ trợ bà con mua máy móc cơ giới nông nghiệp, nhưng thực tế không dễ do những thủ tục rườm rà, chồng chéo: “Hiện tượng đảo nợ, vay tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để lấy chênh lệch lãi suất cũng có, vì vậy cần phải được đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả của gói kích cầu. Trên cơ sở đó nên có gói kích cầu thứ hai hay không, nếu có chỉ nên tập trung vào trung hạn dài hạn và tái cấu trúc nền kinh tế”.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, ông Lò Văn Muôn nêu trước Quốc hội rằng: các Quyết định 443 và 497 của Chính phủ về cho vay hỗ hỗ trợ lãi suất 4%  đi vào cuộc sống còn rất hạn chế, chưa đánh giá được hiệu quả. Ông ví dụ: “Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương ở phần sau ghi đối tượng được hỗ trợ thì mua vật liệu làm nhà; có nghĩa là xi măng, sắt thép... Nhưng vật liệu làm nhà của đồng bào vùng núi chính là gỗ, mà gỗ không được ghi rõ trong văn bản đó, cho nên ngân hàng không giải ngân, bởi vì trong dấu chấm chấm đấy không biết có những cái gì?”. Bà Nguyễn Thị Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh dẫn chứng một thực tế khó khăn khác: “trong thủ tục vay vốn yêu cầu người nông dân phải có bìa đỏ, nhưng trong thực tế thì tỷ lệ đất được cấp sổ đỏ ở nông thôn mới được 50-60%. Hay là quy định phải có hóa đơn đỏ khi mua hàng, thực tế hóa đơn được bày bán ở nhiều nơi, trong đó chi phí lấy hóa đơn đỏ còn cao hơn mức được hỗ trợ lãi suất."

 

Điều mà các đại biểu Quốc hội quan ngại chính là những đối tượng cần được hỗ trợ nhất có khi lại không thể chạm đến nguồn vốn lớn hỗ trợ rót từ nhà nước, do nhũng nhiễu hoặc tắc trách từ các cơ quan chức năng, cũng có thể do cách làm thiếu chuyên nghiệp của chính quyền cơ sở. Theo ông Huỳnh Ngọc Đáng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương thì đây là bài toán khó, đòi hỏi Chính phủ phải sớm tìm ra cách tháo gỡ để đồng tiền thực sự đến với người cần vay. Ông Huỳnh Ngọc Đáng kiến nghị: “Tiếp tục hỗ trợ cho vay ngắn hạn nhưng có chọn lọc đối tượng, chỉ nên ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có đông lao động, các doanh nghiệp thuộc khối ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, ngành nông nghiệp chế biến và hoạt động khoa học công nghệ. Đây là những doanh nghiệp thực sự cần hỗ trợ vốn vay…”

 

Không chỉ riêng đại biểu Quốc hội, mà đây cũng là vấn đề hiện nay các chuyên gia kinh tế cũng đang băn khoăn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Nếu không “kích” đúng địa chỉ, làm không hiệu quả, thì không những không kích thích được nền kinh tế tăng trưởng, mà còn để lại hệ lụy khôn lường, và sẽ tạo thêm "đất" cho tham ô, nhũng nhiễu…

 

Vấn đề lớn mà cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ tại kỳ họp này chính là hiệu quả kích cầu chưa trọn vẹn. Cử tri yêu cầu Chính phủ sớm có một cơ chế kiểm soát dòng vốn kích cầu đi đúng mục tiêu, rót trúng đối tượng; nhất là nguồn vốn bù lãi suất vay đầu tư trung hạn và bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc là nông dân./.

Trần Sông Thao

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác