Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần lo cả cho khối lao động ngoài doanh nghiệp

21/03/2009

Sáng nay, 20-3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 18 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời chất vấn xung quanh việc thực hiện chủ trương trợ cấp hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua và tình hình lao động bị mất việc làm.

Trả lời chất vấn của ĐB về trách nhiệm của bộ khi tham mưu cho Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ trong một thời gian quá gấp gáp (10 ngày trước tết) cũng như sự thiếu chính xác trong việc xác định đối tượng nghèo, Bộ trưởng Kim Ngân phát biểu: “Trên thực tế có địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này, đó là một chủ trương đúng và khả thi. Vấn đề là tổ chức thực hiện có sai sót”.

Bộ trưởng thừa nhận, chuẩn nghèo tuy đã có nhưng sự hướng dẫn cho các địa phương có thể còn chưa đầy đủ, danh sách hộ nghèo đã thống kê được có nơi, có chỗ chưa chính xác. “Chính phủ đã họp đánh giá vấn đề này. Số cán bộ sai phạm theo kiểu lấy tiền dân để bỏ túi mình thì rất ít. Đối tượng này sẽ bị kỷ luật thật nghiêm khắc. Nhưng các dạng sai phạm khác thì phải xem xét tính chất, mức độ vi phạm”, bà nói thêm.

Liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng, báo cáo của Bộ LĐ-TBXH đã tổng hợp số liệu từ 40 tỉnh, thành, theo đó đến hết tháng 1, cả nước có trên 85.000 người bị mất việc làm.

Dự báo cả năm 2009 sẽ có khoảng 300.000 lao động bị mất việc làm, tập trung chủ yếu ở các DN gia công xuất khẩu, đặc biệt là DN dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, thủ công mỹ nghệ. Suy thoái kinh tế thế giới cũng làm cho lao động VN ở nước ngoài gặp khó khăn. Tính đến 15-3-2009, có 6.195 lao động phải về nước trước thời hạn, dự kiến cả năm có khoảng 10.000 người phải về nước trước thời hạn. 

Mặc dù Bộ trưởng Kim Ngân đã trình bày các giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho lao động mất việc, song Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai băn khoăn: “Việt Nam có hơn 46 triệu lao động. Các chính sách của Chính phủ mới chỉ “lo” được cho khoảng 9 triệu lao động trong các DN, còn lao động trong các HTX và khu vực ngoài DN thì sao”?

Bộ trưởng Kim Ngân: “Đúng là việc thống kê, quản lý lao động khu vực ngoài doanh nghiệp khó khăn hơn nhiều. Sự hỗ trợ cho lao động trong khối này chủ yếu thông qua gói kích cầu kinh tế; các chương trình phát triển KT-XH địa phương và tăng cường cho vay giải quyết việc làm”.

 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác