Bế mạc Phiên họp thứ Mười chín của UBTVQH

22/04/2009

* Dự án Luật Quản lý nợ công: QH sẽ quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công * Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Kiến trúc sư trưởng khó phát huy vai trò nếu chỉ có thẩm quyền “tư vấn”

Chiều 21.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Mười chín.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch đô thị.

Dự án Luật Quản lý nợ công đã được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Có 2 vấn đề lớn mà ĐBQH chưa thống nhất quan điểm là: bổ sung nợ của khối doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của Luật và thẩm quyền của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý nợ công. Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: ĐBQH không nên quá lo ngại sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nếu không đưa nợ khu vực DNNN vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Vì một số khoản nợ của DNNN liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước như nợ do Chính phủ bảo lãnh, các khoản nợ của doanh nghiệp từ khoản vay lại của Nhà nước đã được quy định trong dự thảo Luật. Hơn nữa, nếu quy định mọi khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với cả những khoản nợ DNNN tự vay, tự trả. Điều này sẽ tạo ra hệ quả pháp lý không có lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán. Mặt khác, do tính chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp biến động thường xuyên, nếu quy định cứng trong Luật sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý. Trường hợp các DNNN mất khả năng thanh toán các khoản nợ tự vay, tự trả thì việc  xử lý như thế nào cũng đã được quy định chặt chẽ tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tán thành quan điểm trên, các Uãy viên UBTVQH cũng yêu cầu cần phải thống nhất ngay trong Luật cách hiểu thế nào là nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, nợ trong nước, nợ nước ngoài, tránh dẫn đến hiểu lầm là thẩm quyền quyết định của QH trong lĩnh vực nợ công lại vượt quá phạm vi điều chỉnh của Luật và gây khó khăn trong quá trình thực thi luật.

Các Ủy viên UBTVQH cũng nhất trí cao với UB Tài chính và Ngân sách trong việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định có liên quan đến thẩm quyền của QH, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý nợ công. Theo đó, QH có thẩm quyền quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công, bao gồm việc quyết định các mục tiêu chiến lược, định hướng huy động, sử dụng và quản lý nợ trong từng giai đoạn 5 năm; Quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm... Quy định như vậy vừa bảo đảm tính hợp Hiến và tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, Chính phủ; Đồng thời tạo căn cứ pháp lý để QH, các cơ quan của QH thực hiện chức năng giám sát trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.

Dự thảo Luật Quản lý nợ công cũng đã quy định chặt chẽ hơn về các hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công. Theo đó, bổ sung thêm các hành vi bị cấm như: huy động vốn không đúng thẩm quyền, mục đích; quyết định cho vay, cho vay lại, cấp bảo lãnh Chính phủ không đúng thẩm quyền, mục đích, đối tượng và sử dụng vốn vay trái phép, sai mục đích, lãng phí...

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý đô thị, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư, các ĐBQH vẫn còn có ý kiến khác nhau về Hội đồng kiến trúc quy hoạch, thiết chế Kiến trúc sư trưởng và thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch ở các đô thị loại đặc biệt.

Về thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị loại đặc biệt, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đề nghị nên giao cho chính quyền các đô thị này thực hiện, Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lý do là vì: Chính quyền đô thị là người nắm vững, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về thực trạng, triển vọng và yêu cầu phát triển đô thị gắn chặt với quy hoạch tổng thế phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, khi chính quyền các đô thị đặc biệt này tổ chức lập quy hoạch chung đô thị thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch đến toàn bộ quy hoạch nên sẽ bảo đảm được sự thống nhất giữa quy hoạch chung các đô thị này với Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch các ngành cũng như yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước. Mặt khác, giao thẩm quyền như vậy cũng sẽ bảo đảm cho bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã được tham gia trực tiếp vào việc đề ra nhiệm vụ quy hoạch, các ý tưởng, giải pháp quy hoạch... từ đó nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với công tác quy hoạch đô thị.

Về tổ chức Hội đồng kiến trúc quy hoạch, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đề nghị nên giữ  như trong dự thảo Luật đã trình QH tại Kỳ họp thứ Tư. Tức là, Hội đồng kiến trúc quy hoạch được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc có thể được thành lập tại thành phố, thị xã theo yêu cầu quản lý của Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng này đã được chỉnh lý rõ ràng hơn và giao Bộ Xây dựng quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng kiến trúc quy hoạch. Riêng về  thiết chế Kiến trúc sư trưởng, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đề nghị cần phải có để bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và giữ gìn bản sắc của đô thị. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng nếu Kiến trúc sư trưởng cũng chỉ có thẩm quyền tư vấn về quy hoạch đô thị thôi thì thực chất với cơ chế hiện nay cũng rất khó phát huy được vai trò của mình. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Cần phải tổng kết thực tiễn thật kỹ, thật chín về việc có quy định ngay trong Luật về thiết chế Kiến trúc sư trưởng hay không, vì thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã từng có chức danh này nhưng đến nay cũng không còn duy trì nữa.

Trong Phiên làm việc sáng cùng ngày, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Cơ yếu và phương án phân bổ ngân sách bổ sung năm 2009.

 

P. Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác