Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

14/08/2009

Trong ngày thứ ba của phiên họp thứ 22, 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã nghe Ðoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, do Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên chủ trì.

Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến nhấn mạnh vai trò, vị trí của tập đoàn (TÐ), tổng công ty nhà nước (TCTNN), cho rằng, bên cạnh mục tiêu, chiến lược kinh doanh tạo lợi nhuận, các TÐ, TCTNN thời gian qua đã tham gia và đóng góp tích cực vào các lĩnh vực khác, thực hiện nhiệm vụ chính trị như đầu tư các công trình, dự án trọng điểm tại nhiều khu vực giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH vùng. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Chung quanh những nội dung  trong báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, báo cáo giám sát cần đề cập rõ hơn tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các TÐ, TCTNN trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc đầu tư, kinh doanh của các TÐ, TCTNN đã phù hợp, đúng hướng hay chưa, có xa rời với mục tiêu đầu tư đăng ký hay không... Ðề cập thực tế các TÐ chưa tạo ra được sức mạnh để thay đổi trình độ quản lý, lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH lưu ý cần làm rõ bản chất tăng trưởng của các TÐ, TCT đã xuất phát từ hiệu quả của sản xuất kinh doanh chưa, hay tăng trưởng do bán tài sản của Nhà nước. Trưởng Ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng, cho rằng, cần xem xét cụ thể những lĩnh vực được phép kinh doanh trong giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, trong trường hợp không đề cập mà trên thực tế doanh nghiệp vẫn làm thì điều đó là sai quy định.

Một số đại biểu nhận xét TÐ, TCTNN còn chiếm dụng vốn quá lớn, trong khi chưa ưu tiên dành vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay việc đầu tư công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, các TÐ, TCTNN muốn giữ được vai trò là nòng cốt của nền kinh tế, yếu tố công nghệ tiên tiến cần phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm thì mới đạt hiệu quả.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTV QH đề nghị Ðoàn giám sát đánh giá sâu thêm về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ ra những "khoảng trống", những điểm bất hợp lý trong hành lang pháp lý về quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các TÐ, TCTNN cần được bổ sung, nhất là phần kiến nghị về hệ thống pháp luật hiện nay, xu thế phát triển của các TÐ, TCT thời gian tới, các giải pháp để quản lý các TÐ, TCTNN bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, đồng thời khuyến khích tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của các TCT. Số liệu tổng hợp thống kê thực trạng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại một số TÐ, TCTNN cũng cần được bổ sung đầy đủ, thể hiện tính thống nhất.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, báo cáo cần được hoàn chỉnh, bổ sung trước khi trình QH tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới. Chủ tịch QH nhận xét bản báo cáo giám sát công phu, đã góp phần chỉ rõ "thực trạng sức khỏe" của các TÐ, TCTNN. Tuy nhiên, báo cáo chủ yếu đề cập tình hình sử dụng vốn mà ít phân tích thấu đáo công tác quản lý vốn, chưa đi sâu vào nội dung quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Qua cuộc giám sát thực trạng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại một số TÐ, TCTNN phải tạo được sự chuyển biến mới trong hoạt động, tạo ra sự thay đổi và sự quan tâm đối với doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan. Chủ tịch QH mong muốn công tác giám sát phải thật sự "làm rung động các cơ quan có trách nhiệm", tạo bước chuyển quan trọng trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước trong thời gian tới.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Trọng tài. Dự án Luật Trọng tài có 12 chương và 73 điều. Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tư pháp của QH, mục đích cơ bản của việc ban hành Luật Trọng tài nhằm khắc phục những hạn chế nảy sinh trong quá trình thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

Dự án Luật đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của trọng tài thông qua việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan quyền và lợi ích của các bên, dù phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hay nghĩa vụ ngoài hợp đồng; tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân, gia đình và thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình; các tranh chấp liên quan đến phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; tranh chấp về bất động sản...

Các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến chung quanh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài (Ðiều 2); về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (Ðiều 48); về tiêu chuẩn trọng tài viên (Ðiều 17); về mô hình, điều kiện và thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài (Ðiều 22); về thời điểm yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 8 Ðiều 48); về vai trò của Viện KSND trong tố tụng trọng tài...

Theo thông báo của Văn phòng QH ngày 13-8, hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ tại phiên họp UBTV QH sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày hôm nay, 14-8. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng Ðài Truyền hình Việt Nam.

 

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác