Phiên họp thứ Hai ba của UBTVQH

16/09/2009

* Cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Ngày 15.9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành được QH ban hành năm 1997 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2003. Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) tập trung sửa đổi các quy định về vị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ; phân định chức năng của QH, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ; Hội đồng chính sách tiền tệ; vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; các biện pháp can thiệp của Ngân hàng nhà nước đối với các tổ chức tín dụng và chức năng giám sát hoạt động ngân hàng; vấn đề công khai, minh bạch thông tin của Ngân hàng Nhà nước...

Sau hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã làm giảm tính tự chủ của các tổ chức tín dụng và thiếu đồng bộ với các đạo luật mới được QH ban hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và thông lệ quốc tế. Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới nên cần thiết phải thực hiện đa dạng hóa các hoạt động, dịch vụ ngân hàng; đối xử bình đẳng giữa các loại hình tổ chức tín dụng thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đồng thời từng bước áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa các Ngân hàng thương mại Nhà nước đã và đang được triển khai, nên trong thời gian tới sẽ không còn loại hình Ngân hàng thương mại Nhà nước như quy định của Luật hiện hành. Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) khắc phục những tồn tại, bất cập của các quy định pháp luật hiện hành; tạo cơ sở pháp lý xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng thị trường tiền tệ lành mạnh, đồng thời hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn một số hạn chế như: một số quy định còn thiên về việc bảo đảm an toàn, chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng có thể phát huy vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Dự thảo Luật cũng còn một số quy định chưa cụ thể hoặc giao cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác