Dự thảo Luật Viễn thông: Thể hiện chính sách phát triển viễn thông của Nhà nước

25/10/2009

Luật cũng quy định rõ về quản lý cạnh tranh; thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và quy định chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Chiều nay (24/10), các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Đặng Vũ Minh trình bày. Các đại biểu cũng thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

 

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội.

 

Dự thảo Luật Viễn thông sau khi được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 này gồm 10 chương 63 điều, quy định về hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

 

Các doanh nghiệp cần chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và  kỹ thuật

 

Trong thời gian qua, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng và viễn thông, truyền hình cáp… vẫn còn nhiều bất cập.

 

Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong Luật Viễn thông được chỉnh lý lần này, các quy định tại Điều 45 đã bắt buộc chia sẻ cơ sở hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, nếu các doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận về sử dụng chung, trong một số trường hợp khẩn cấp phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh. Đồng thời Luật cũng quy định các doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với nhau (thông qua hợp đồng trên cơ sở tự nguyện và lợi ích thương mại giữa các doanh nghiệp viễn thông) trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cột antenna, nhà trạm, cống bể cáp… nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

 

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, điều 60 về “Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật” và điều 61 “Quản lý công trình viễn thông” trong Luật lần này đã được chỉnh sửa theo hướng yêu cầu các ngành sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông, viễn thông) để tiết kiệm đầu tư, tránh lãng phí và bảo đảm mỹ quan, cảnh quan môi trường. Luật cũng giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành.

 

Thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông

 

Tại Kỳ họp thứ 5, có đại biểu nêu ý kiến rằng không nên quy định trong dự thảo Luật cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, mà đề nghị giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về viễn thông. Trong nhiều trường hợp cần phải giải quyết các tình huống có tính cấp bách nên cơ quan quản lý phải có vai trò, vị trí pháp lý đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao.

 

Việc quy định thành lập cơ quan này trong dự thảo Luật là hình thức thực hiện cam kết ở mức luật của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định này cũng phù hợp với quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành trong một số Luật đã được Quốc hội thông qua gần đây như quy định về Cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân trong Luật Năng lượng nguyên tử, quy định về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong Luật Chứng khoán...

 

Chính vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị nêu trong Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải quy định Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Cơ quan này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên không cần thiết phải quy định trong Luật.

 

Bộ Công thương và Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp quản lý cạnh tranh

 

Ngoài việc quy định các doanh nghiệp viễn thông phải tuân thủ các yêu cầu về chống cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh, Luật Viễn thông được chỉnh lý lần này cũng bổ sung các quy định nhằm hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang tính đặc thù trong kinh doanh dịch vụ viễn thông và nội luật hóa các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải thực hiện chế độ thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ thống lĩnh thị trường, xác định giá thành dịch vụ.

 

Trong Luật cũng quy định Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý cạnh tranh và giải quyết tranh chấp trong thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông phù hợp với hoạt động đặc thù trong lĩnh vực này.

 

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Viễn thông được tiếp thu, chỉnh lý lần này, các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao với những sửa đổi của Luật so với kỳ họp trước, nhất là trên ba vấn đề lớn là, quản lý cạnh tranh; thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và vấn đề quy định chia sẻ  cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cũng đề nghị Luật cần làm rõ hơn vai trò của Bộ Công thương và Bộ Thông tin & Truyền thông về giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cạnh tranh. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ) cho rằng, Luật cần quy định cụ thể về chế tài xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng như cam kết với khách hàng.

 

Ngoài các ý kiến trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, quy hoạch và quản lý công trình viễn thông, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tâng cà cung cấp dịch vụ viễn thông cho các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và cùng đồng bào dân tộc thiểu số…

 

Ngày mai (25/10), Quốc hội nghỉ./.

Thanh Hà - Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác