Dự án 5 triệu ha rừng: Thất bại do quản lý?

06/11/2009

(VOV) - Mấu chốt căn bản trong công tác trồng và bảo vệ rừng, đầu tiên là phải quản lý được lâm sản và động vật rừng. Tuy nhiên cả hai lĩnh vực này công tác quản lý đều yếu kém

Cùng với các dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất; thủy điện Sơn La, dự án đường Hồ Chí Minh, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được coi là một trong 4 công trình quan trọng của quốc gia đã được Quốc hội khóa X quyết định chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 1998- 2010. Tuy nhiên, sang năm 2010 dự án sẽ kết thúc, nhưng rất nhiều mục tiêu chưa hoàn thành. Bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh; Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên VOV xung quanh vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Đình Xuân

** Thưa ông, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sắp kết thúc nhưng sẽ không hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, ông có bình luận gì về vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Đình Xuân: Đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng sẽ không đạt được mục tiêu đã đặt ra của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Sang năm, dự án này sẽ kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh là kết thúc chứ không phải hoàn thành, trong khi rất nhiều mục tiêu của dự án này sẽ không đạt được. Mục tiêu quan trọng nhất là chúng ta phải khoanh nuôi, bảo vệ và giữ được một diện tích rừng tự nhiên, đảm bảo độ che phủ của đất nước đã không đạt được, cũng như mục tiêu trồng rừng cũng không đạt được.

 

Theo tôi, mấu chốt căn bản trong công tác trồng và bảo vệ rừng, đầu tiên là phải quản lý được lâm sản và động vật rừng. Tuy nhiên cả hai lĩnh vực này công tác quản lý đều yếu kém. Cơn lũ vừa qua, chúng ta thấy hàng nghìn m3 gỗ đổ về xuôi, riêng tỉnh Kon Tum thu được 2.800 m3 gỗ. Việc này cho thấy công tác quản lý về gỗ và lâm sản còn lỏng lẻo. Một vấn đề nữa đó là quản lý về đất rừng cũng rất lỏng lẻo, chúng ta đã không giữ được đất rừng, mà nếu không giữ được đất rừng thì chúng ta sẽ không có đất để trồng rừng. Trong khi đó chúng ta lại tiếp tục triển khai làm thuỷ điện, làm resort… những dự án ấy cũng lấy đi khá nhiều đất.

 

** Ông có suy nghĩ gì về tình trạng chặt phá rừng đang trở nên báo động hiện nay?

 

Ông Nguyễn Đình Xuân: Nạn chặt phá rừng nhiều hiện nay chắc chắn liên quan đến yếu tố quản lý. Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều các văn bản pháp luật, chúng ta đã trang bị cho lực lượng kiểm lâm vũ khí, cho họ rất nhiều quyền hạn và chế độ nhưng họ vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây có 2 điểm, đó là sự phối hợp, nếu chỉ có lực lượng kiểm lâm không thôi chưa đủ, mà cần phải có lực lượng phối hợp từ bên ngoài, đặc biệt là chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý nguồn gốc gỗ, xuất xứ gỗ, cũng như vận chuyển, chế biến gỗ. Về vấn đề này chúng ta đã không quản lý được. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng đã không hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù có những chỗ nơi kiểm lâm hy sinh hoặc bị thương tích rất nặng nề, nhưng ngược lại cũng có rất nhiều nơi công tác quản lý bị buông lỏng. Việc buông lỏng quản lý này theo tôi cần phải được kiểm điểm một cách nghiêm túc.

 

Để bảo vệ rừng vấn đề quan trọng là trách nhiệm của các cấp, ngành

 

Nói như Thủ tướng Chính phủ, vùng nào bị mất rừng thì lãnh đạo và người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chỉ tiếc rằng sau đó chúng ta đã không xây dựng được tiêu chí là mất bao nhiêu rừng thì bị xử lý ở mức độ nào, cho nên đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ vị đứng đầu địa phương nào chịu trách nhiệm về việc mất rừng ở địa phương đó.

 

** Là đại biểu Quốc hội, cũng là người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ rừng, ông có kiến nghị gì để có thể làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới?

 

Ông Nguyễn Đình Xuân: Để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, theo tôi chỉ có 2 từ thôi, đó là trách nhiệm. Tức là mỗi khu rừng phải được giao cho người có trách nhiệm, rồi sau đó là quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương đó, rồi lực lượng kiểm lâm, lực lượng công an, lực lượng biên phòng. Những lực lượng đóng trên địa bàn đó phải có trách nhiệm đối với rừng ở khu vực đấy và khi mất rừng chúng ta có thể quy trách nhiệm được.

 

Bản thân tôi cũng là một người giữ rừng. Tôi thấy khi chúng ta chia ra thành những tiểu khu để bảo vệ rừng thì trách nhiệm đã được phân công rõ ràng. Khi bị mất rừng ở khu vực nào, việc đầu tiên là phải kiểm điểm người đứng đầu ở khu vực đó. Và việc cách chức, thậm chí sa thải một số cán bộ hư hỏng là điều hết sức cần thiết. Như thế rừng bị mất mới quy trách nhiệm được, nếu không chúng ta sẽ mãi mãi nói là do hoàn cảnh khó khăn, do lực lượng mỏng, do lâm tặc hung hãn… và hàng nghìn lý do nữa.

 

Xin cảm ơn ông!./.

Hùng-Hà (ghi)

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác