Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

10/11/2009

Giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nướctại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

* Thiếu hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất cho việc quản lý nguồn vốn nhà nước tại các tập đoàn

 

Ngày 9.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH tiến hành giám sát tối cao về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

Phiên làm việc của QH được truyền hình và phát thanh trực tiếp đến cử tri cả nước.

 

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của UBTVQH do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày nêu rõ: những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp nhà nước từ việc phân công, phân cấp cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đến việc xây dựng mô hình hoạt động mới cho doanh nghiệp; từ việc ban hành và ngày càng hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước đến việc thiết lập công cụ và cơ chế giám sát các doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã hình thành khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vốn, tài sản tại tập đoàn, tổng công ty, đồng thời tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty từng bước tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như: một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập; mô hình và phương thức hoạt động tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty; chậm xây dựng một hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh làm cơ sở cho giám sát, quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty...

 

Cũng theo Báo cáo, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty trên thực tế còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của một số đơn vị thấp; hiệu quả sử dụng tài sản là đất đai của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa cao; chính sách khuyến khích vật chất chưa được quan tâm đúng mức; việc sắp xếp, bố trí lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí vốn của Nhà nước. Mặc dù nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, năng lực tài chính ổn định, nhưng cũng còn nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt các lợi thế vượt trội từ sự quan tâm đầu tư và ưu đãi về nhiều mặt của Nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản chưa cao, hoạt động đầu tư còn phân tán, dàn trải vượt quá năng lực tài chính, năng lực quản lý; mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế và tổng công ty còn có những bất cập; quản trị doanh nghiệp còn hạn chế...

 

Thảo luận ở Hội trường, các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo Kết quả giám sát của UBTVQH và cho rằng: những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển KT-XH đất nước. Tuy nhiên, với vai trò và trọng trách được giao, với sự tin tưởng và nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì những kết quả mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt được là chưa tương xứng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nảy sinh nhiều bất cập dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước... ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định: chủ trương chuyển đổi các mô hình doanh nghiệp, xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là đúng đắn, nhưng quá trình thực hiện còn bất ổn. Nếu làm phép so sánh với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa cân xứng với quy mô, nguồn lực tài chính, chính sách ưu đãi của Nhà nước, chưa khẳng định vững chắc vị trí, vai trò trong nền kinh tế. ĐB Triệu Sỹ Lầu  (Cao Bằng) cho rằng, hiện đang thiếu một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Cho đến nay vẫn chưa có đạo luật nào về tập đoàn.

 

Theo một số ĐBQH cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) phân tích: nhân dân giao Chính phủ nắm một vốn chủ sở hữu lên tới hơn 30 tỷ USD, đó là chưa kể đến 365 nghìn ha mặt bằng đất đang kinh doanh. Với số vốn này cần có một đạo luật để điều chỉnh.

Vũ Đào

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác