Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

13/11/2009

Sáng 12.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Nuôi con nuôi.

* Dự án Luật Nuôi con nuôi: Nên giao Tòa án quyết định công nhận việc nuôi con nuôi

* Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010 của QH

* Dự án Luật Thuế nhà, đất: Có nên thu thuế nhà ở hay không? 

 

Sáng 12.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu  QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Nuôi con nuôi.

 

Đa số ĐBQH khẳng định cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực nuôi con nuôi nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, ổn định đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em; tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền trẻ em.

Về thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi, nhiều ĐBQH cho rằng, việc hình thành hay chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, do đó cần nghiên cứu giao cho Tòa án quyết định. Theo đó, trình tự, thủ tục cho - nhận con nuôi vẫn do cơ quan hành chính thực hiện, nhưng Tòa án là cơ quan ra quyết định công nhận. Điều này cũng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. ĐB Nguyễn Minh Hà (TP Hà Nội) cũng đề nghị dự thảo Luật nuôi con nuôi chỉ nên quy định UBND xã nơi thường trú của người nhận con nuôi có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước.

 

Về đối tượng được nhận làm con nuôi, theo Điều 14 của dự thảo Luật, người được nhận làm con nuôi là một trong các đối tượng: trẻ em từ đủ 15 tuổi trở xuống và người trên 15 tuổi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu, cô đơn. Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng chỉ ra rằng: trên thực tế từ khi có Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đến nay, chưa có trường hợp người trên 15 tuổi là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự đăng ký được nhận làm con nuôi. Việc nhận nuôi dưỡng các đối tượng này thực chất là nhận phụng dưỡng, chăm sóc, không phù hợp với bản chất cũng như mục đích của việc nuôi con nuôi được quy định tại dự thảo Luật.

 

Về độ tuổi là trẻ em được nhận làm con nuôi, nhiều ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ đủ 15 tuổi trở xuống là tương thích với một số văn bản pháp luật hiện hành như Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, một số ĐBQH khác đề nghị xem xét lại độ tuổi người được nhận làm con nuôi vì theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Còn Công ước Lahay năm 1993 cũng khuyến nghị các quốc gia xác định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Các ĐB  Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), Thái Thị An Chung  (Nghệ An) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật. Và cần phải quy định người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên - ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nêu ý kiến.

 

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Theo Nghị quyết, năm 2010, QH sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (Báo cáo kết quả giám sát sẽ được trình bày trước QH tại Kỳ họp thứ Bảy); giám sát chuyên đề Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Tám.

 

Nghị quyết của QH giao UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát.

 

Buổi chiều, QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Thuế nhà, đất.

 

Đa số ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh Thuế nhà, đất là cần thiết nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng; góp phần khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh... Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, tính khả thi của một số quy định trong dự án Luật chưa cao, khó đáp ứng mục tiêu của việc ban hành Luật Thuế nhà, đất và thuyết phục được ĐBQH. Bởi mức thuế suất mà dự thảo Luật đưa ra không đáng kể so với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất. Sự chênh lệch về thuế suất giữa đất bỏ hoang, đất sử dụng sai mục đích còn thấp, chưa có tác dụng khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, dự thảo Luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà nên khó bảo đảm sẽ thu thuế công bằng.

 

So với Pháp lệnh Thuế nhà, đất hiện hành, dự án Luật Thuế nhà ở, đất ở bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Tuy nhiên, việc đánh thuế đối với nhà ở khiến nhiều ĐBQH hết sức băn khoăn. Các ĐB Trần Đình Long (Đăk Lăk), Đặng Như Lợi (Cà Mau), Phùng Thanh Kiểm (Lạng Sơn) cho rằng, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất, chưa nên áp dụng thuế đối với nhà ở. Bởi nhà ở là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân cũng đã phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi mua nguyên vật liệu, thi công xây dựng. Việc đánh thuế nhà ở như quy định của dự thảo Luật sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế. Tuy nhiên, ĐB Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu từ nhà ở vào ngân sách nhà nước. Mức thuế suất khởi điểm chỉ là 0,03% trên phần giá trị vượt 500 triệu đồng không phải là cao và thực tế cũng sẽ không có nhiều đối tượng phải nộp thuế nhà ở. Việc thu thuế đối với nhà ở góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là nhà chung cư. Có cùng quan điểm này nhưng một số ĐBQH cũng đề nghị: để sắc thuế này nhận được sự đồng thuận của ĐBQH và trong dư luận nhân dân thì Phiên thảo luận tại Hội trường sắp tới, Chính phủ cần giải trình kỹ hơn, làm rõ mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở hiện nay chủ yếu mang ý nghĩa tập dượt chứ không coi trọng nguồn thu. 

L.Hiển - P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác