Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

25/11/2009

Ngày 24.11, buổi sáng QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Người tàn tật. Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

* Dự án Luật Người tàn tật: Tạo cơ hội để người tàn tật có điều kiện tham gia vào đời sống, xã hội

* Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Mang dáng dấp của một chính sách hơn một đạo luật

 

 

Sáng 24.11, QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Người tàn tật.

 

Về cơ bản, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Người khuyết tật, tuy nhiên còn nhiều băn khoăn về cách tiếp cận của dự án Luật. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng: xây dựng luật dành cho người tàn tật phải tiếp cận ở góc độ bảo đảm quyền của người khuyết tật. Có như vậy mới đưa ra được chính sách trợ giúp phù hợp. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa chỉ rõ: dự án Luật quy định trẻ em, phụ nữ là người tàn tật được hưởng những ưu tiên riêng của Nhà nước, nhưng cụ thể ưu tiên riêng như thế nào lại không quy định. Các ưu tiên của Luật đối với người tàn tật cần bảo đảm 2 quyền cho người tàn tật: quyền học tập và quyền lao động.

 

Có nên có chính sách hỗ trợ các cho hộ nghèo có người bị tàn tật vào dự án Luật hay không? Theo ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh): dự án Luật khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, với tỷ lệ nhất định sẽ được nhận ưu đãi, hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, hiện có tới 37% số người tàn tật trên cả nước đang sống tại gia đình là hộ nghèo. Do đó, phương án hỗ trợ gián tiếp cho người tàn tật thông qua hỗ trợ hộ gia đình có người tàn tật - dễ giúp người tàn tật hòa nhập với cộng đồng. Tiếc là dự án Luật sơ sài về trách nhiệm và quyền lợi của gia đình có người bị tàn tật. Dự án Luật không nên chỉ thiên về góc độ y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người tàn tật, mà cần hướng nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, xóa bỏ rào cản về nhận thức, môi trường để người tàn tật được bình đẳng về cơ hội, có điều kiện chủ động tham gia vào đời sống xã hội. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với người tàn tật là xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội đối với người tàn tật - điều này đã được nhắc đến nhiều nhưng chủ yếu mới là hô hào, mà chưa gắn được với quy định cụ thể nào trong dự án Luật Người tàn tật.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Các ĐBQH cơ bản nhất trí với việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những biện pháp hàng đầu giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế đất nước, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, với nhiều quy định chung chung, không có chế tài xử phạt dự thảo Luật mang dáng dấp của một chính sách hơn là một đạo luật. Dự thảo Luật có 46 điều, nhưng 18 điều giao Chính phủ, các Bộ ngành ban hành hướng dẫn thi hành. Điều này không đúng với xu hướng hạn chế ban hành Luật khung, Luật ống. ĐB Nguyễn Thị Huyền (Phú Thọ), ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) đặt câu hỏi: Nghị định 102 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định rõ ràng các chế tài xử phạt với những sai phạm, vì sao dự thảo Luật lại chỉ quy định chung là “sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”? ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đề nghị, cần phân tích kỹ những nguyên nhân khiến việc sử dụng năng lượng tại nước ta còn lãng phí, chưa hiệu quả. Từ đó, đưa quy định đáp ứng mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật này. ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) nhấn mạnh, nhiều nội dung của dự thảo Luật cần được hoàn thiện thêm như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giảm bớt các quy định mang tính chính sách; xác định rõ hoạt động nào là khuyến khích, hoạt động nào bắt buộc phải áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng.

 

Một số ĐBQH cho rằng, các chính sách ưu đãi, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng; chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… quy định trong dự thảo Luật là cần thiết. Nhưng vì sao tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, sinh hoạt mà người dân, doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến - ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) băn khoăn - có phải do chính sách ưu đãi, thủ tục chưa hấp dẫn; chế tài chưa rõ ràng; chưa có chính sách vĩ mô mang tính xuyên suốt; các chương trình vận động tiết kiệm năng lượng được thực hiện còn rời rạc… hay không? Nhiều ĐBQH đề nghị, Ban soạn thảo rà soát kỹ càng việc thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm để đưa quy định phù hợp, khắc phục các vướng mắc hiện nay. Ban soạn thảo cần đối chiếu với những Luật liên quan về thuế, đầu tư, doanh nghiệp… để đưa các chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế phù hợp, không sử dụng sai mục đích gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

V. Đào – P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác