Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Quảng Bình

14/01/2010

Ngày 12 – 13.1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại Quảng Bình để tìm hiểu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

Ngày 12 – 13.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại Quảng Bình để tìm hiểu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

 Tham dự Đoàn Công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy viên Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Minh Thuyết; Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Hoàng Chí Bảo...

 

Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cho biết, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, thực hiện chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng, kinh tế Quảng Bình phát triển nhanh và khá ổn định. Tốc độ tăng trưởng đạt khá cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH, từng bước tạo lập các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã thấy rõ hướng đi lên để sớm thoát nghèo, phù hợp với khả năng và thế mạnh của địa phương. Đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 73 lần so với năm 1990 – thời điểm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, Quảng Bình vẫn là tỉnh nằm trong nhóm các địa phương chậm phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đến cuối năm 2009, tỷ lệ này là hơn 16%. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu là yếu tố tăng vốn và lao động, yếu tố khoa học – công nghệ còn thấp...

 

Từ thực tế thực hiện chủ trương, đường lối Đổi mới của tỉnh, Ban thường vụ tỉnh ủy nhận thấy, qua thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, nhất là đối với các công ty lâm công nghiệp, cần được xem xét một cách thận trọng và có bước đi cụ thể. Bởi đây là lĩnh vực có liên quan đến giá trị đất đai nông, lâm trường đang quản lý thuộc sở hữu nhà nước. Đề nghị Trung ương có chính sách và quy trình cụ thể, tiến hành thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng trên cả nước, bảo đảm xác định hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và nhà nước, đúng bản chất, hợp lý, công bằng và minh bạch, phòng chống tiêu cực, thất thoát tài sản của nhà nước.

 

Về công tác xây dựng Đảng, hiện nay, theo quy định của Trung ương, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi và cấp ủy viên là nữ không dưới 15%. Qua rà soát quy hoạch và định hướng cơ cấu cấp ủy của Đảng bộ các huyện, thành phố và Đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, Ban thường vụ tỉnh ủy nhận thấy, tiêu chí này khó đạt được...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực tế ở Quảng Bình đã gợi mở và góp thêm căn cứ cho Trung ương trong việc nhận định, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng; 10 năm thực hiện chiến lược phát triển KT – XH 2001 – 2010 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, đường lối Đổi mới, Quảng Bình không ngừng đổi mới và phát triển. Đáng chú ý, so với năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh tăng gần 3 lần. Giá trị thủy sản tăng 5,6 lần. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng 20 lần. Giá trị xuất khẩu tăng 6,8 lần. Tổng thu ngân sách tăng 73 lần. Cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực được đầu tư xây dựng và ngày càng được củng cố, hoàn thiện và có bước tiến khá như sân bay, bến cảng, cửa khẩu, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á, đường liên thôn, liên xã... Các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ đoàn kết khai thác hải sản... tăng mạnh và làm ăn hiệu quả. Và qua triển khai chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng, Quảng Bình đã xác định tương đối rõ hướng đi, rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH; công tác xây dựng đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; chú trọng phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc; chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ...

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, điểm lại những thành tựu nổi bật mà Quảng Bình đạt được trong hơn 20 năm qua để chứng minh rằng, đường lối Đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Tư tưởng của Cương lĩnh, các Văn kiện Đại hội Đảng đã vào thực tiễn ở Quảng Bình thông qua sự vận dụng, đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, qua thực tế nắm tình hình tại Quảng Bình, cũng thấy đặt ra một số vấn đề mới, đang còn phải trăn trở, tìm tòi, suy nghĩ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối chung của Đảng cũng như phương hướng phát triển sắp tới của Quảng Bình. Thời gian qua, thực tiễn ở địa phương đã chứng minh đường lối của Trung ương đã vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động, nhưng ngược lại, từ thực tiễn cuộc sống đó, chủ trương, đường lối của Đảng có điểm gì cần bổ sung và phát triển? Đây là điều mà cả Trung ương và địa phương cùng phải suy nghĩ. Nhân dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Quảng Bình cần quan tâm, tổ chức các hội thảo, hội nghị để thảo luận kỹ, chuẩn bị nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đảng; tránh tình trạng, một số nơi chỉ quan tâm tới công tác nhân sự mà chưa chú ý đầy đủ đến công tác Văn kiện. Để chuẩn bị cho những bước đi trong thời gian tới, phải chăng là địa phương cần xác định đúng điều kiện, hoàn cảnh, khó khăn, thuận lợi của địa phương là gì? Vừa qua tỉnh đã khai thác hết tiềm năng, thế mạnh hay chưa? Có điểm gì cần phải bổ sung, điều chỉnh trong 5 năm, 10 năm tới hay không? Rõ ràng, điều quan trọng là cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hết tiềm năng, lợi thế, từ đó xác định đúng hướng đi. Quảng Bình còn nhiều khó khăn, nhưng có hoàn toàn là tỉnh nghèo hay không? Tại sao với lợi thế về biển, rừng, cửa khẩu, nhiều đầu mối giao thông, sự hỗ trợ của Trung ương... mà lại mang tiếng là tỉnh nghèo, thu không đủ chi? Quảng Bình rất giàu tiềm năng, nhưng vấn đề là có biến tiềm năng đó thành tiềm lực, thành nguồn lực, động lực để phát triển hay không? Đây có lẽ không phải là vấn đề của riêng Quảng Bình. Hay, định hướng phát triển các ngành nghề, các lĩnh vực, các vùng kinh tế trên địa bàn như thời gian qua đã được chưa? Với một tỉnh như Quảng Bình, lợi thế về kinh tế biển, đất rừng, thì phát triển công nghiệp như thế nào? Phải chăng là gắn với chế biến thủy sản, chế biến rừng, phát triển du lịch – dịch vụ...? Phát triển ngành nghề gì, công nghệ gì để đón đầu, bảo vệ được môi trường. Hiện nay, xu hướng ở một số địa phương là cứ cốt thu hút được nhiều dự án đầu tư, cứ có công nghiệp để tăng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hệ quả là tỉnh nào cũng có sân bay, có bến cảng, có xi măng, thép..., tạo sự manh mún, chia cắt. Đương nhiên, đây là vấn đề Trung ương phải lo, phải quy hoạch. Nhưng, điều quan trọng hơn cả vẫn là sự chủ động của địa phương trong đề xuất, kiến nghị. Rồi, biện pháp cụ thể gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục – đào tạo và đặc biệt là truyền thống anh hùng của quê hương? Thực tế cho thấy, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương là một nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ. Là nơi sinh sống của khá đông đồng bào dân tộc thiểu số, Quảng Bình cần có biện pháp cụ thể gì để chăm lo cho đời sống của đồng bào, các gia đình khó khăn, chính sách... như thế nào? Đây là một trong những mặt thể hiện rõ nét nhân ái của dân tộc Việt Nam và trong điều kiện hiện nay là phát triển theo định hướng XHCN.

 

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm và nắm tình hình thực tế tại hai xã Bảo Ninh, Đồng Hới và Trường Xuân, Quảng Ninh; thăm mô hình kinh tế tổng hợp thuộc Công ty TNHH Hưng Biển; mô hình kinh tế trang trại của anh Lê Văn Tuy trên địa bàn xã Vĩnh Linh, Quảng Ninh; Công ty Lâm công nghiệp Long Đại; công trình thủy lợi Rào Đá; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Viễn ở Tiểu khu 7, xã Đồng Phú, thành phố Đồng Hới... 

 

Bảo Ninh là xã miền biển của thành phố Đồng Hới, có truyền thống khai thác và chế biến hải sản. Với hơn 80% dân số là ngư dân, Bảo Ninh đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đánh bắt thủy hải sản xa bờ, mạnh dạn chuyển đổi nghề truyền thống sang nghề khai thác thủy sản hiện đại, khuyến khích ứng dụng các phương tiện kỹ thuật vào khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bảo Ninh đã tập trung phát triển các Hợp tác xã, tổ đoàn kết khai thác hải sản. Đến nay, xã đã thành lập được 50 Tổ đoàn kết với 310 thành viên. Đây là mô hình hay với ý nghĩa tăng cường sự đoàn kết, hợp tác khai thác trên biển của ngư dân, giúp đỡ nhau trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững ổn định an ninh tuyến biển. Qua thực tế phát triển các loại hình hợp tác xã, tổ đoàn kết khai thác hải sản của Bảo Ninh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và nhiều thành viên Đoàn Công tác nhận thấy, việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác là yêu cầu khách quan, là một tất yếu kinh tế, nhất là trong việc khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ. Có hợp tác mới có vốn, có thông tin, ngư dân chia sẻ kinh nghiệm, bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp rủi ro trên biển. Và điều thấm thía là dẫu phát triển hợp tác theo mô hình nào thì đều phải trên cơ sở tự nguyện của các thành viên; phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, của chính quyền địa phương. Bởi, thực tế ở Bảo Ninh cho thấy, để tồn tại và phát triển thì không thể cứ mãi duy trì các tổ đoàn kết khai thác hải sản nhỏ, lẻ mà cần phát triển với loại hình này với quy mô lớn hơn. Muốn vậy, phải có vốn, có cơ chế chính sách, có thông tin, tạo thuận lợi để bà con khai thác, đánh bắt hải sản trong mọi điều kiện...

 

Tại xã Trường Xuân – xã miền núi với 5/ 11 thôn, bản là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều của huyện Quảng Ninh - Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác đã tìm hiểu tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn... Phát huy lợi thế về đất nông nghiệp và đất rừng, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông – lâm – ngư nghiệp, chăn nuôi kết hợp một số ngành nghề phụ, đến nay, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 75% xuống còn 32%. Đời sống văn hóa – xã hội của nhân dân các dân tộc trên toàn xã ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thực hiện Chương trình 134, 135, xã đã làm nhà đại đoàn kết và đầu tư làm 116 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. 99% trẻ em đến tuổi đều được đến trường. 10/11 thôn, bản đã có điện, có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản. Về công tác xây dựng Đảng, 100% thôn, bản của xã đã có đảng viên. Đến nay, xã đã thành lập được 11 chi bộ, kết nạp được 135 đảng viên mới, trong đó có 6 đảng viên là người dân tộc Vân Kiều... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh nỗ lực và thành quả mà Trường Xuân đã đạt được trong thời gian qua, nhất là những nỗ lực trong phát triển tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và đồng bào dân tộc Kinh trong phát triển KT – XH của đơn vị, đóng góp vào sự phát triển của huyện, của tỉnh. Tại nhiều thôn, bản, đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đã bỏ tập quán sản xuất cũ chuyển sang canh tác lúa nước, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực bình quân của xã lên mức 380 tấn/ năm. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ấn tượng với công tác xây dựng Đảng của Trường Xuân và cho rằng, việc phát triển đảng viên mới, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, quan tâm tới chính sách đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn là hướng đi đúng. Kinh nghiệm cho thấy, các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau là điều kiện quan trọng, không tạo cơ hội cho các thế lực thù địch bên ngoài có thể xen vào, lợi dụng chia rẽ tình đoàn kết trong nội bộ.

Thanh Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác