Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao (BOT)

15/08/2017

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 13, ngày 15/8, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao (BOT). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo kết quả giám sát

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết,trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều giải pháp huy động vốn có hiệu quả trên cơ sở đa dạng hóa thành phần tham gia đã thu được kết quả cao, trong đó có huy động thông qua hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao (BOT). Việc thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT đã mang lại những kết quả rõ rệt:

Thứ nhất, diện mạo về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế... nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia thực hiện các dự án lớn, tiêu thụ một lượng lớn nguyên, nhiên vật liệu được sản xuất trong nước, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thứ ba, đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn.

Thứ tư, kết quả và kinh nghiệm có được trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình này; đối với các nhà đầu tư, đây là một hướng đầu tư mới, khá hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo kết quả giám sát cũng đánh giá kết quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thông qua trái phiếu Chính phủ cho tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016, theo đó tuyến đường đã hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kề hoạch đề ra, tiết kiệm được hơn 17 nghìn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ngân sách nhà nước ban đầu. Các dự án khi đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện kết nối liên vùng, phát triển kinh tế cho các khu vực dự án đi qua và giảm ùn tắc giao thông trên trục đường huyết mạch của đất nước. Một số dự án đầu tư xây dựng thay thế cho phà vượt sông và một số dự án đầu tư trên tuyến đường độc đạo nhưng được tuyên truyền tốt, làm rõ được lợi ích mang lại nên được người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, Báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT cũng còn những hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục. Cụ thể: việc triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chưa có nguyên tắc và thứ tự ưu tiên đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều bất cập; việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, năng lực nhà đầu tư còn hạn chế; công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật; việc chọn nhà thầu, thi công xây dựng dự án, nghiệm thu còn sai sót; việc xác định phương án tài chính của dự án vẫn còn chưa hợp lý; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thi công; việc thu phí sử dụng dịch vụ tồn tại nhiều bất cập; chưa làm rõ được trách nhiệm của cá nhân, tập thể dẫn đến những sai phạm, tồn tại trên.

Do đó, để khắc phục những yếu kém trên, bên cạnh việc khắc phục những vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách về đầu tư và ưu đãi đầu tư, đặc biệt là chính sách về giá sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát các vị trí đặt trạm hiện nay, ban hành tiêu chí thành lập trạm thu phí giá dịch vụ sử dụng đường bộ, xây dựng mức giá thu phù hợp.

Ngoài ra, báo cáo của đoàn giám sát cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan và nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, ổn định khung giá đền bù đảm bảo phương án tài chính khả thi; đồng thời chỉ đạo đôn đốc các nhà đầu tư kịp thời sửa chữa, khắc phục những công trình còn dở dang, kém chất lượng để hoàn thành đúng mục tiêu đề ra; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu khảo sát thi công cho đến quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao chất lượng và các nội dung phản ánh của Báo cáo giám sát; cho rằng Báo cáo đã thể hiện được bao quát đầy đủ, mạch lạc, dễ hiểu và có sức thuyết phục cao, số liệu cụ thể, phụ lục chi tiết từ văn bản, chính sách pháp luật đến khâu triển khai thực hiện, quản lý... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thiện hơn, Báo cáo cần làm rõ thêm về trách nhiệm của tập thể và cá nhân ở lĩnh vực giám sát; chỉ ra các địa chỉ cụ thể làm chưa tốt. Bên cạnh đó, làm rõ vai trò của kiểm tra, kiểm toán trong lĩnh vực được giám sát...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, báo cáo nêu rõ được ưu điểm, nhược điểm, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao BOT.  Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đoàn giám sát hoàn thiện thêm nội dung báo cáo theo hướng làm rõ hơn về trách nhiệm của tập thể, cá nhân; vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong lĩnh vực này như thế nào.

Bày tỏ đồng tình với nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận định nội dung về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Báo cáo giám sát còn hạn chế, chỉ chưa đến 6 dòng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Báo cáo cần chỉ ra được địa chỉ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị làm chưa tốt. Bên cạnh đó, cần cân đối về nội dung đánh giá về những mặt được và chưa được trong việc giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao BOT.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng Báo cáo kết quả giám sát đã tổng hợp rất đầy đủ, đánh giá khách quan và đặc biệt nhất đã khẳng định được vai trò quan trọng của hình thức BOT trong xây dựng các công trình giao thông đối với đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội có 2 vấn đề đối với công tác thu phí các dự án BOT hiện nay đó là khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí. Mọi phản ứng cả tiêu cực và tích cực của người dân đều liên quan đến vấn đề này, trong đó nguyên nhân chủ yếu do khâu quản lý, kiểm tra, giám sát cơ quan nhà nước, những vấn đề nổi lên như mức thu phí, thời gian thu phí, việc thỏa thuận đặt trạm đều thiếu sự công khai, minh bạch. Do đó, đề nghị trong báo cáo cần phải làm rõ thêm nguyên nhân do đâu, cụ thể như thế nào để tránh tình trạng trên còn diễn biến.

Cho ý kiến về vấn đề trạm thu phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc quy định trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch và theo quy định là khoảng cách mỗi trạm là 70 km, nơi nào nhỏ hơn 70 km thì Bộ Giao thông vận tải phải trao đổi với Ủy ban Nhân dân địa phương và Bộ Tài chính để thống nhất. Bởi trên thực tế, có những trạm thu phí chưa đúng hoặc có những trạm đặt ngoài phạm vi tuyến đường BOT, thậm chí thu cả tuyến đường khác cho dự án BOT, gây dư luận không tốt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về BOT để đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một quy hoạch tổng thể về hệ thống giao thông Việt Nam bao gồm tất cả đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, với những tiêu chí, nguyên tắc ưu tiên đầu tư rõ ràng, chú ý tới tính đặc thù của vùng miền và đảm bảo hệ thống giao thông khá đồng bộ trong phạm vi cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình cao với những nội dung nêu trong Báo cáo kết quả giám sát về những mặt được, mặt tồn tại, hạn chế và những kiến nghị đề xuất của Đoàn giám sát. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại hạn chế trong tổ chức thực hiện; kiểm điểm làm rõ những sai phạm và thu hồi những thất thoát lãng phí phát hiện ra trong quá trình thanh tra kiểm tra giám sát. Đồng thời rà soát lại quy hoạch, nâng cao chất lượng hệ thống quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, sửa những luật hiện có như Luật đầu tư, Luật đầu tư công, hoàn thiện chính sách cơ chế để thu hút, ưu đãi đầu tư.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí ban hành Nghị quyết giám sát, giao cho Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Pháp luật và Bộ Giao thông vận tải thực hiện trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay.

Nguyễn Phương- Hồ Hương

Các bài viết khác