Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ Luật Đo đạc và bản đồ

03/10/2017

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, sáng 3/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và một số mục tiêu quan trọng khác. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất… Trong khi đó, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp; đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc xây dựng và ban hành Luật đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội  tại phiên họp ngày 12/9/2017 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ được chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 63 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Việc xây dựng Luật bảo đảm quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế; nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ; tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ...

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật đo đạc và bản đồ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… phục vụ có hiệu quả hơn quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đánh giá nội dung dự thảo luật đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế có liên quan. Tuy vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật đất đai… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của Dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hoạt động đo đạc và bản đồ có tính chuyên ngành cao, do đó dự thảo Luật cần phải chỉnh sửa và bổ sung giải thích một số thuật ngữ cụ thể hơn để bảo đảm việc hiểu đúng và áp dụng thống nhất.

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến đại biểu đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ, cho rằng hồ sơ dự án Luật Đo đạc và bản đồ đã được chuẩn bị tương đối chặt chẽ và đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, về tên gọi của dự thảo luật, có ý kiến tán thành với tên Luật Đo đạc và bản đồ như Tờ trình. Tuy nhiên một số ý kiến đại biểu cho rằng, Bản đồ chỉ là một sản phẩm của hoạt động đo đạc, mặt khác các nội dung trong dự thảo luật cơ bản cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực đo đạc. Do vậy, cần sửa đổi tên gọi của Luật thành Luật Đo đạc bản đồ hoặc Luật hoạt động đo đạc và bản đồ cho phù hợp. Có ý kiến đại biểu lại đề nghị đổi tên Luật thành Luật Trắc địa và Bản đồ. Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cho rằng nên tham khảo cách đặt tên của các quốc gia khác trên thế giới để cân nhắc sửa đổi đảm bảo cân bằng được yếu tố lịch sử và yếu tố thực tiễn.

Liên quan đến các quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, nhiều đại biểu đề nghị ngoài 5 nguyên tắc được liệt kê tại Điều 4, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc về tuân thủ các điều ước quốc tế về đo đạc và nguyên tắc kế thừa các sản phẩm đo đạc đã có trong tịch sử cho đầy đủ và chặt chẽ. Bên cạnh đó, sắp xếp lại trình tự các nguyên tắc sao cho khoa học, hợp lý hơn.

Đối với nội dung về hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về thời hạn cập nhật đối với mỗi loại bản đồ, bao nhiêu năm thì nên cập nhật lại một lần để đảm bảo tính chính xác, kịp thời. Bởi có những loại bản đồ thay đổi rất nhanh như bản đồ giao thông.

Ngoài ra, để hoạt động đo đạc và bản đồ góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về các chính sách ưu tiên đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ; chính sách về công tác xã hội hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; chính sách ưu tiên đối với hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể thành lập: bản đồ xâm nhập mặn cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; bản đồ hạn hán cho các địa phương thường xuyên bị hạn hán; bản đồ lũ lụt, ngập úng cho các tỉnh, thành phố thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này...

Tin và ảnh: Thu Phương