Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV

11/10/2017

Chiều 11/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 và bế mạc vào 25/11/2017. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp                       Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện theo quy định của pháp luật, ngày 21/9/2017, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung trình Quốc hội:  Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông; Xem xét, quyết định về nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Về dự kiến chương trình chi tiết, có ý kiến đề nghị bố trí sớm hơn các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua; Bố trí muộn hơn việc thảo luận tổ về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu; đồng thời, điều chỉnh thời gian thảo luận ở hội trường về kinh tế- xã hội từ 2,25 lên 3,5 ngày, về ngân sách nhà nước từ 0,75 xuống 0,5 ngày; Tăng thời gian thảo luận các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 từ 0,5 lên 01 ngày; đồng thời, kết hợp thảo luận cùng báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, thư của công dân năm 2017.

Có ý kiến đề nghị bố trí thảo luận ở hội trường từ 0,5 đến 1 ngày (thay vì gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT)”, vì đây đang là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Hoặc có thể bố trí kết hợp thảo luận cùng với nội dung giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016”.

Một số ý kiến đề nghị bố trí thảo luận ở hội trường báo cáo công tác năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đồng thời truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên họp này); kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (có thể kết hợp thảo luận cùng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành). Đồng thời, Bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung trong dự kiến chương trình kỳ họp.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dự kiến Chương trình Hội nghị cấp cao APEC và ASEAN, thời gian tiến hành kỳ họp và yêu cầu đặc thù đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp. Đồng thời, giữ lượng thời gian và cách thức tiến hành đối với các nội dung như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14.

Dự kiến các nội dung được truyền hình, phát thanh trực tiếp tại kỳ họp này có nhiều hơn so với các kỳ họp trước (11 ngày trong số 25,5 ngày làm việc của Quốc hội), trong đó có 02 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại hội trường (việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân). Riêng, phiên họp sáng ngày 7/11/2017, không bố trí truyền hình trực tiếp trong khoảng thời gian từ 9 giờ 00 đến 9 giờ 30 do trùng với phiên truyền hình trực tiếp của Hội nghị cấp cao APEC.

Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 25,5 ngày làm việc, trong đó bố trí Quốc hội làm việc buổi sáng ngày thứ bảy cuối cùng để không kéo dài kỳ họp sang sáng thứ hai tuần tiếp theo; dự kiến bế mạc vào ngày 25/11/2017.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn nội dung kỳ họp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong số 15 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chỉ có 8 dự án được gửi đến đại biểu Quốc hội. Các nội dung về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát chuyên đề, dự án công trình quan trọng quốc gia và các báo cáo khác... còn đang trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện và chưa gửi đến đại biểu Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chương trình kỳ họp đã được sắp xếp hợp lý và phù hợp với nội quy kỳ họp, tuy nhiên tiến độ chuẩn bị nhiều nội dung trình Quốc hội vẫn còn chậm. Do đó, các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp. Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban thường vụ cũng đề nghị, Văn phòng Quốc hội giúp Tổng thư ký Quốc hội chuẩn bị kỹ các báo cáo tóm tắt, rút ngắn thời gian đọc báo cáo, đặc biệt là những ngày các đại biểu nghe nhiều báo cáo tại Hội trường.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với chương trình Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phiên trù bị sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về thời gian thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội là 2,5 ngày hay 3 ngày. Nếu hết thời gian trên vẫn còn ý kiến chưa phát biểu, Quốc hội có đồng ý cho kéo dài thêm thời gian hay không.

Về các báo cáo tóm tắt, ngoài Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội và Báo cáo thẩm tra các hoạt động tư pháp, các báo cáo thẩm tra luật không dài quá 15 phút. Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thảo luận lần đầu tại Quốc hội nên không truyền hình trực tiếp, sau khi hình thành chính sách pháp luật rõ ràng thì Kỳ họp sau có thể truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi.

Vân Ngọc

Các bài viết khác