Không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

26/10/2017

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, tại phiên họp tháng 9 năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, sau đó đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đến ngày 20/10/2017, đã có 26 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi lại ý kiến tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Thảo luận tại hội trường, bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.

Quy định cụ thể về phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Báo cáo giải trình tiếp thu cho biết, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình của từng tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật hiện đang quy định khung thời gian xây dựng và phê duyệt đối với từng phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Quy trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng luôn được triển khai khẩn trương nhằm bảo đảm xử lý nhanh và hiệu quả, tuy nhiên, việc xác định khung thời gian tối đa chung cho các phương án là khó khả thi do mức độ yếu kém và nội dung phục hồi của các tổ chức tín dụng về cơ bản sẽ không giống nhau. Về các phương án cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Dự thảo luật bố cục theo hướng phân chia thành 5 phương án cơ cấu lại :phương án phục hồi; phương án sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần; phương án giải thể; về phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản.

Liên quan đến các quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt – tỉnh Gia Lai chỉ ra rằng, sau khi nhìn lại các vụ đại án liên quan các tổ chức tín dụng đã xét xử những năm gần đây, khó khăn nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan. Do đó, Dự thảo luật sửa đổi lần này cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém ngay tại dự thảo luật nhằm bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

Cũng cho ý kiến về vấn đề nguồn nhân lực tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng- TP Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay đội ngũ anh em ngân hàng vất vả khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có, thực hiện công việc rất nặng nề. Nhiều công việc trong luật không quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh... Cho nên họ rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong trường hợp đã cống hiến hết mình, đã công tâm, trung thực trong công việc.

 

Rà soát kỹ điều kiện, đối tượng, tiêu chí  trong các quy định về chuyển giao bắt buộc

Một trong những nội dung cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận là quy định về phương án chuyển giao bắt buộc. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là tổ chức tín dụng, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp. Nội dung này được UBTVQH tiếp thu, chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc tại Mục 1đ của dự thảo Luật cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... Trường hợp không có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản như quy định tại khoản 8 Điều 151a.

Theo đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- tỉnh Gia Lai, phương án chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền, cũng như bảo đảm đến an toàn của cả hệ thống tín dụng. Điều 151 dự thảo Luật quy định về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong đó có 2 điều kiện để áp dụng chuyển giao bắt buộc là giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm cũng như có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc.

Đại biểu đặt ra câu hỏi, nếu không có nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ xử lý như thế nào? Nhà nước và các Ngân hàng thương mại có vốn góp có đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc hay không? Nếu các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm, tức là tài sản nợ nhiều hơn tài sản có thì các nhà đầu tư khác muốn mua lại cổ phần thì biện pháp tái cơ cấu nào sẽ được ưu tiên trong trường hợp này? Tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc cần đáp ứng điều kiện gì không để bảo đảm việc nhận chuyển giao không ảnh hưởng xấu đến hệ thống tín dụng?

Không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước một số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, bảo đảm cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, trong các quy định về khoản vay đặc biệt, dự thảo luật quy định, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các tổ chức tín dụng có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống. Việc quy định các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài.

Đặt ra vấn đề không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội cho rằng, nguyên tắc này chưa được quán triệt một cách triệt để trong dự thảo Luật. Đại biểu phân tích, với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các tổ chức tín dụng sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này? Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém". Đại biểu đặt ra câu hỏi, quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém?

Cũng phát biểu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách nhà nước trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%. Nếu có ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết.

Hồ Hương

Các bài viết khác