Cần có cơ chế đầu tư phù hợp cho vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long

01/11/2017

Ngày 1/ 11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân bổ ngân sách phù hợp cho vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và chi đầu tư tương xứng cho việc phát triển khoa học công nghệ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận- tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến tại hội trường

Cần có cơ chế đầu tư phù hợp cho vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư ngân sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông. Theo đó, bố trí kinh phí đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ trước năm 2020 nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đại biểu phân tích thêm, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy thực hiện thực chất liên kết vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, giữa các tiểu vùng của đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng, tiểu vùng, các địa phương về mọi mặt và thúc đẩy khai thác thế mạnh của vùng, tiểu vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng. Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp và đầu tư hài hòa trong thích ứng với lũ, biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu nhấn mạnh, cử tri đồng bằng sông Cửu Long hy vọng sẽ nhìn thấy những điểm sáng đột phá ở vùng đồng bằng sông Cửu Long về quy hoạch phát triển vùng theo hướng bền vững và cân đối. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần triệt để áp dụng nhiều giải pháp.

Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho vùng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị, trong đó đầu tư đúng mức cho phát triển khoa học, phục vụ phát triển đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư cho giáo dục và đào tạo về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân để nâng cao nguồn nhân lực và dân trí, hiện tại tỷ lệ này đạt thấp so với các vùng của cả nước.

Thứ hai, cần hoàn thiện và triển khai kịp thời các cơ chế đặc thù về đầu tư và điều tiết hợp lý ngân sách cho các địa phương trong vùng, trong đó có điều tiết hợp lý nguồn thu cho thành phố Cần Thơ với tỷ lệ thích hợp trong thời gian tới để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành động lực cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, để đảm bảo cho kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, đặc biệt đối với vùng sản xuất nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm quy hoạch và có cơ chế tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, chính sách hỗ trợ hình thành các nhà máy, xí nghiệp chế biến tại địa phương, có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn nhằm giúp cho các địa phương chế biến và bảo quản tốt sản lượng nông sản nhất là vào mùa thu hoạch rộ hoặc không có thị trường tiêu thụ. Đây cũng là một trong những giải pháp giải cứu nông sản, cây trồng, vật nuôi khi được mùa mất giá thường xuyên xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng liên quan đến nội dung này đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận – tỉnh Cà Mau cho rằng, phương án phân bổ ngân sách của Chính phủ còn mang tính bình quân dàn đều chưa tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng miền. Cụ thể là theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh trọng điểm kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong bốn tỉnh mang trọng trách động lực và làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của vùng. Mặt khác, tại Hội nghị ngành tôm vào đầu năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phấn đấu đến năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau là 2 tỷ USD trên 10 tỷ USD của cả nước. Để làm tròn 2 trọng trách này, cần có nguồn lực đầu tư, cần có cơ chế chính sách đầu tư tổ chức lại sản xuất. Nhưng trong phương án phân bổ ngân sách năm 2018 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc phân bổ cho tỉnh cũng như các tỉnh khác không biết tính trọng điểm, tính động lực được thể hiện ở đâu.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận nếu chúng ta xác định đúng trọng điểm, đúng lĩnh vực, địa điểm và có cơ chế đầu tư đúng đắn sẽ tạo ra đầu tàu đủ mạnh đủ sức kéo theo sự phát triển vượt bậc của cả một vùng kinh tế. Qua đó quay trở lại đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế đầu tư phù hợp khoa học, tính toán đến tính đặc thù thay cho phương pháp bình quân dàn trải như phương án phân bổ hiện nay.

Phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ còn dàn trải, thiếu trọng tâm

Cho ý kiến về việc phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến – tỉnh Hà Nam nhận định, vai trò và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định trong rất nhiều văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian qua, khoa học công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy  nhiên vẫn còn một số những tồn tại nhất định, trong đó có phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Mặc dù giai đoạn 2011 - 2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ đã tăng đáng kể, nhưng nước ta vẫn là một trong những nước trên thế giới đầu tư thấp cho khoa học công nghệ. Ngân sách chi cho khoa học công nghệ những năm gần đây có xu hướng giảm.

đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến- tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội trường

Đại biểu cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, tổng chi cho khoa học công nghệ trung bình hàng năm chỉ tương ứng với 1,54% tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2017, tổng dự toán ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ là 19.409 tỷ đồng, chỉ bằng 1,4% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi 2% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ đã được quy định từ Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị từ khóa 6 đến Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 vẫn chưa đạt được. Ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65 - 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động khoa học công nghệ. Mức độ xã hội hóa trong đầu tư cho khoa học công nghệ còn rất thấp, phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, bố trí ngân sách ở nhiều địa phương cho hoạt động khoa học công nghệ chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định và hiệu quả chưa cao.

Để khoa học, công nghệ thực sự là động lực quan trọng hàng đầu, tái cơ cấu và nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đại biểu đề nghị một số giải pháp như: cân đối đủ 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ và tiếp tục đổi mới cơ chế để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Đối với chi đầu tư phát triển, cần khắc phục tình trạng cát cứ trong chi đầu tư phát triển, thực hiện tốt một số việc chi cho các tổ chức chịu trách nhiệm, thực hiện tốt việc một việc chỉ giao cho một tổ chức chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phân bổ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Đồng thời, cần gắn nghiên cứu với ứng dụng sản xuất và thương mại hóa, có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển, phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, tăng tính tự chủ tài chính cho các tổ chức khoa học công nghệ, giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho hành chính và các tổ chức nghiên cứu ứng dụng.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng tinh gọn, hiệu quả để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, hành chính hóa các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, tách biệt về quản lý giữa khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp trong hệ thống khoa học, công nghệ để có cơ chế quản lý phù hợp với mỗi khu, giảm thiểu đầu mối quản lý khoa học, công nghệ.

Hồ Hương-Vân ngọc

Các bài viết khác