Quyết liệt cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng

20/11/2017

Chiều 18/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội         Ảnh: Đình Nam

Thực hiện giải pháp đồng bộ trong phòng chống tham nhũng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Thượng tọa Thích Thanh Quyết – tỉnh Quảng Ninh nêu vấn đề, thời gian qua các cơ quan của trung ương, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư đã quyết liệt chỉ đạo chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Nhưng đó mới chỉ là phần trên còn phần dưới biến động không nhiều. Thực tế phần dưới, phần sát dân mới là phần gây rất nhiều bức xúc, nhũng nhiễu cho dân, bởi vì các cụ hay nói "quan tham, lại nhũng", có nghĩa là quan thì tham, lại phải nhũng.

Đây cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội quan tâm. Đại biểu cho rằng nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh, nhũng nhiễu làm khó người dân và doanh nghiệp khá phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo mà Thủ tướng đã cam kết.

Các đại biểu đều đặt câu hỏi đối với Thủ tướng về biện pháp cụ thể hữu hiệu, giải pháp mang tính đột biến, mang tính tổng hợp để chống tiêu cực, tham nhũng, làm giảm, ngăn chặn được triệt để vấn nạn trên.

Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đặt câu hỏi về giải pháp đột biến phòng chống tiêu cực tham nhũng thời gian tới

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, chính vì vậy Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo. Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế đến điều tra những vụ việc cụ thể và xử lý nghiêm. Chính phủ đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh việc giáo dục cán bộ, công chức, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì các cơ quan trung ương, các cơ quan ở địa phương cần làm gương mạnh mẽ vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ hoan nghênh ý kiến của thượng tọa Thích Thanh Quyết để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực. Tất cả những giải pháp đó đồng bộ. Trên tinh thần coi đây là việc quan trọng nên cấp ủy chính quyền các cấp phải đẩy mạnh ngăn chặn có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở từng bộ, từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội.

Công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính khắc phục phiền hà nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là doanh nghiệp kêu và than phiền về việc bị chậm giải quyết các việc của mình và có sự gây phiền hà, nhũng nhiễu. Vấn đề này đang làm ngược lại sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính và thủ tục hành chính. Đại biểu đặt câu hỏi, biện pháp mạnh mẽ nào, cơ chế cụ thể nào sẽ được Thủ tướng đưa ra để khắc phục, xử lý triệt để tình trạng vẫn còn đang kéo dài này.

Theo Thủ tướng Chính phủ việc một bộ phận cán bộ chậm giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà nhất có 4 nguyên nhân rất quan trọng cần phải xác nhận: Một là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ. Hai là hiểu biết về vấn đề đó của cán bộ. Ba là kể cả việc anh biết rồi nhưng anh sợ mất chức, mất quyền, sợ mất an toàn nên anh không dám quyết. Bốn là tình trạng mọi việc tốt hết, biết hết nhưng tình trạng tham nhũng tiêu cực xảy ra trong bộ phận cán bộ nên chậm lại cải cách hành chính. Những nguyên nhân này sẽ được phân tích kỹ hơn trong quá trình giải quyết xử lý và trên tinh thần đó nếu cán bộ nào, nhất là những đơn vị làm thủ tục cho dân, cho doanh nghiệp mà chậm trễ, nhũng nhiễu, kéo dài thì phải được thay thế ngay để giải quyết tình trạng lót tay, nhũng nhiễu chậm trễ.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương bày tỏ quan tâm đến việc khắc phục hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kiểm tra đôn đốc, vấn đề công khai, minh bạch, công khai quy định thời gian, cán bộ trực tiếp có đủ thẩm quyền, hiểu biết để giải quyết nhanh chóng hay áp dụng trung tâm hành chính công ở một số địa phương như tỉnh Quảng Ninh hay một số tỉnh đã triển khai là thấy rất cần thiết.

Khi được đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển – tỉnh Lâm Đồng hỏi về giải pháp đột phá mạnh mẽ gì để mỗi cán bộ, công chức, nhất là cấp chính quyền cơ sở thực hiện đúng, đủ hiệu quả chức trách công vụ của mình, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ thấm thía trước thực trạng phân cấp giao quyền còn nhiều vấn đề. Thực tế, tình trạng ôm việc lên trên, ngại việc phía dưới còn rất nhiều, vì thế cần phải tiếp tục phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn, trách nhiệm cá nhân phải rõ hơn trong chỉ đạo thực tiễn.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giải pháp đã đưa ra nhiều nhưng để thúc đẩy thì việc xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu kịp thời hơn, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong xử lý giải quyết công việc được giao là rất quan trọng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc phân cấp giao quyền theo luật pháp để hệ thống kỷ cương phù hợp hơn với đất nước, làm rõ ở trên Trung ương phải làm những việc vĩ mô nào, ở dưới địa phương cấp tỉnh phải làm gì, cấp huyện, cấp xã phải tiếp tục phân cấp rõ hơn như thế nào. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tất cả những việc này, Chính phủ sẽ lắng nghe tiếp thu và triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cho biết thêm, tại kỳ họp này trong phiên thảo luận về cơ chế chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ bàn về phân cấp giao quyền nhiều hơn, tạo thế chủ động hơn.

Quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trước đó, thay mặt Chính phủ, báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Ban hành 14 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các bộ ngành, địa phương. Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân tại các Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương được vận hành khá hiệu quả, riêng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận trên 4.600 phản ánh, kiến nghị của người dân và gần 1.100 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc, từ thứ 91 lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng vào nhóm đầu của các nước ASEAN.

Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đến năm 2021. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu cải thiện căn bản các nhóm chỉ số còn thấp. Vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện và công khai minh bạch chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân.

Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội. 

Bảo Yến

Các bài viết khác