Hội thảo quốc tế Cải cách tài khóa ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

17/09/2011

Ngày 15 – 16.9, tại Quảng Nam, Ủy ban Tài chính và Ngân sách phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Cải cách tài khóa ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển chủ trì Hội thảo.

Nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tới dự.

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; Đại sứ quán một số quốc gia và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng như quốc tế. 

Sau hơn 25 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước chuyển biến, phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi mạnh từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, nền tài chính công của nước ta đã có nhiều thay đổi, với hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên tục được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản đáp ứng được xu thế phát triển và hội nhập với khu vực cũng như thế giới. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi năm 2004 đã đánh dấu một bước cải cách quan trọng trong cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước; góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tài chính; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước trong động viên, phân bổ, sử dụng nguồn lực của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch về ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, chính sách tài khóa đang đối diện với nhiều thách thức. Nhu cầu vốn đầu tư đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất cao, nhưng có nhiều áp lực cho động viên nguồn lực tài chính qua các kênh huy động vốn trong và ngoài nước. Cơ cấu chi ngân sách có nhiều bất hợp lý. Tốc độ tăng chi nhanh hơn tốc độ tăng thu trong những năm qua đã dẫn đến bội chi ngân sách Nhà nước tăng dần theo các năm về số tuyệt đối. Hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước còn thấp, còn thất thoát, lãng phí...

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, trong thời gian tới, cần tăng cường sự gắn kết giữa chiến lược tài chính nhà nước với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, ngân sách là công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách kinh tế - xã hội. Nhưng do nguồn lực tài chính có hạn nên việc phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cần phải gắn chặt với các mục tiêu ưu tiên được xác định trong các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, cần tăng cường vai trò của QH trong việc xem xét và phê chuẩn các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược tài khóa. Hay nói cách khác là, QH phải hướng tới mục tiêu quyết định khung chính sách tài khóa trung hạn, làm cơ sở để đạt được mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, đổi mới các quy định về phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; nghiên cứu để từng bước xóa bỏ tình trạng lồng ghép của hệ thống ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc ngân sách cấp nào do cấp đó quyết định. Về lâu dài, cần nghiên cứu tiến tới thực hiện theo thông lệ quốc tế là cơ chế bảo đảm các cấp ngân sách có tính độc lập cao hơn. Và tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước thường niên thay cho Nghị quyết của QH hàng năm.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về: tiến trình và kết quả cải cách ngân sách của các nước có nền kinh tế chuyển đổi; xu hướng cải cách tài chính công trên thế giới; vai trò của các cơ quan dân cử trong cải cách tài chính công; hình thức và các công cụ hỗ trợ để các cơ quan dân cử hoạt động thực chất, làm tốt hơn chức năng quyết định và giám sát ngân sách...

 

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác