Cần trao quyền tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học

01/10/2011

Việc giao quyền này sẽ phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay, giữa trường công và trường tư.

Sáng 30/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục Đại học và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học, các đại biểu khẳng định, việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Nhiều vấn đề lớn của giáo dục đại học hiện nay như mô hình tổ chức, kiểm định chất lượng giáo dục; hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để. Một số quy định trong dự thảo Luật không phù hợp với Luật Giáo dục.

Về nội dung xã hội hóa và công bằng xã hội trong giáo dục đại học, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý” nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho người học. Tuy nhiên, đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, không nên quy định rõ tiêu chí mà quan trọng là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học là một yêu cầu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Đây phải được coi là tư tưởng xuyên suốt của dự án này. Trong đó, Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường. Tuy nhiên, dự thảo Luật không đề cập Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học.

Thực tế hiện nay, trong toàn ngành giáo dục đại học, tỉ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chưa đến 50%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao trình độ giảng viên đại học và trình độ giảng viên phải cao hơn trình độ đào tạo. Vì vậy, đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên.

Tiếp đó, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, một số ý kiến cho rằng, với tác hại của thuốc lá, mỗi năm ở Việt Nam có gần 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, mà đến nay mới trình dự án Luật là chậm. Về in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá được quy định tại điều 13 của dự án Luật, đa số ý kiến đồng tình với quy định in cảnh báo phải chiếm ít nhất 50% diện tích mỗi mặt trước và sau trên vỏ bao thuốc lá. Vì thực tế hiện nay, ở một số nước đã quy định diện tích in cảnh báo chiếm 60 đến 80% trên vỏ bao thuốc lá và đây cùng là biện pháp tuyên truyền ít tốn kém và có hiệu quả.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Ngọc Thạch-Minh Châm

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác