Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về lĩnh vực giao thông

13/06/2012

Sáng 11/6, tiếp tục Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 và Đề xuất bổ sung một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2015.

Vì sao chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ thấp?

Thảo luận về quyết toán NSNN năm 2010, đa số các đại biểu đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về tổng thu, tổng chi và bội chi NSNN năm 2010. Đi sâu thảo luận về Tờ trình quyết toán NSNN, một số đại biểu còn băn khoăn về việc phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực, các địa phương; quy chế sử dụng và giám sát sử dụng NSNN tại các địa phương; về con số nợ đọng thuế…

 Về việc phân bổ NSNN cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thẳng thắn nhận xét, khoản chi cho khoa học công nghệ chỉ bằng 81% so chỉ tiêu QH giao là chưa hợp lý. Đại biểu cho rằng, chi NSNN cho khoa học công nghệ thấp như vậy không phải vì lĩnh vực khoa học công nghệ không cần tiền, mà do việc xây dựng, lập dự toán chất lượng không cao; quá trình thực hiện còn mang nặng tính bao cấp xin - cho, không căn cứ vào năng lực, nhu cầu thực tế. Đại biểu nhận định, những quy định trong Luật Ngân sách nhà nước còn “quá cứng”, không phù hợp tính sáng tạo, đặc thù của khoa học công nghệ. Nhiều vấn đề nảy sinh lẽ ra cần được nghiên cứu ngay, nhưng đúng quy trình thì phải hàng năm sau mới được duyệt, mới có kinh phí, mất đi tính thời sự, nhiều trường hợp bỏ lỡ cơ hội. Đại biểu đề nghị, đồng thời với việc quy định rõ cơ cấu, tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho khoa học công nghệ, cần cơ cấu lại hệ thống các viện, trung tâm nghiên cứu để tập trung nguồn lực, cho ra sản phẩm có hàm lượng chất xám và ý nghĩa thực tiễn cao.

 Nhận định quá trình phát triển luôn gắn với các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tâm tư về con số đầu tư cho khoa học công nghệ trên đầu người của nước ta chưa đến 10 USD, trong khi con số này của các nước phát triển là hàng ngàn USD, nhiều nước, ngân sách chi cho khoa học công nghệ lên đến 30% GDP. Băn khoăn về số liệu mà Chính phủ cung cấp, ĐBQH Ngyễn Hữu Đức (Bình Định) nêu ý kiến, ngoài 8 nội dung đã được giải trình trong Tờ trình, còn 4 nội dung gồm lạm phát tăng cao, thu ngân sách nhà nước tăng cao nhưng thu nhập thực tế của người dân chưa tăng cao. Vậy thực chất của vấn đề tăng trưởng ở đây là như thế nào? Thực tế đang tồn tại nghịch lý một số địa phương trong diện nhận bổ sung cân đối ngân sách từ Trung ương nhưng số dư sau quyết toán ngân sách hàng năm còn lớn, thậm chí lớn hơn con số được cân đối từ trung ương thì đã hợp lý chưa?

 Đồng tình với quyết toán NSNN năm 2010, ĐBQH Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị QH phê chuẩn con số tổng thu, tổng chi và bội chi NSNN ở theo văn bản quyết toán ngân sách nhà nước Chính phủ trình. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về việc điều hành thực hiện thu, chi NSNN của Chính phủ còn chưa thật sự bám sát Nghị quyết của QH. Trong đó, có khoản thu gấp 2 lần nghị quyết, có khoản chi vượt định mức quy định của Nghị quyết như chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp để quá trình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước của Chính phủ bám sát Nghị quyết của QH.

 Đề cập đến vấn đề hiệu quả đầu tư của NSNN cho các chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) đưa vấn đề báo cáo NSNN chỉ ra 8/12 chương trình mục tiêu quốc gia không đạt mục tiêu, hầu hết có vấn đề về hiệu quả thực hiện. Do đó, Chính phủ cần có đánh giá lại về việc thực hiện 12 chương trình mục tiêu quốc gia đã được thực hiện như thế nào, kết quả như thế nào? Mặt khác, trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tới đây thì có nhiều nội dung bị trùng ở các chương trình mục tiêu khác nhau, dẫn đến nhiều bộ ngành cùng thực hiện gây chồng chéo. Ví dụ về mục tiêu xóa đói giảm nghèo có tới 30 chương trình dự án và 70 hợp phần nhưng khi đánh giá thì không bộ ngành nào đánh giá chính xác con số. Đại biểu đề nghị rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, gộp lại các chương trình có cùng mục tiêu, tránh dự dàn trải, chồng chéo. 

Cần có tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn các dự án được sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ

Cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về danh mục dự án bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đa số các ĐBQH đồng ý danh sách 5 dự án bổ sung. Bên cạnh đó, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc lựa chọn 5 dự án này; chưa có tiêu chí cụ thể, rõ ràng minh bạch để lý giải tại sao lại lựa chọn 5 dự án trong tổng số rất nhiều dự án cũng rất cấp bách, cần thiết và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân ở nhiều địa phương. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đã đề xuất bổ sung một số dự án liên quan đến xây dựng giao thông, bệnh viện, trường học cụ thể của các địa phương vào danh mục các công trình được sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ.

 Băn khoăn về lĩnh vực dự án lựa chọn đầu tư nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ, ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nêu ý kiến, trong 5 dự án của Chính phủ trình bổ sung thì có tới 3 dự án đầu tư cho lĩnh vực giao thông. Cần phải xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn từ 1 đến 2 dự án thuộc lĩnh vực này vì thực tế có rất nhiều lĩnh vực khác cũng cần phải được đầu tư như giáo dục, y tế. ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, 5 dự án đề xuất bổ sung lần này cần được xem xét kỹ lưỡng. Cần phải cân nhắc việc lựa chọn các dự án để triển khai, vì thực tế rất nhiều dự án cần được đầu tư, xây dựng vì tính cấp thiết của nó. Đại biểu băn khoăn căn cứ vào tiêu chí gì để lựa chon 5 dự án này? Đại biểu cho rằng cần phải có tiêu chí, nguyên tắc trong việc lựa chọn 5 dự án bổ sung trong số rất nhiều các dự án cấp thiết khác và cũng cần phải công khai, minh bạch các tiêu chí này để các địa phương nắm được.

 Đi sâu phân tích vấn đề phân bổ nguồn vốn khi bổ sung 5 dự án trong khi tổng chi cho các dự án từ nguồn trái phiếu chính phủ không đổi, ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, Chính phủ trình thêm 5 dự án mới nhưng không nêu rõ đã rút nguồn vốn từ các dự án nào. Đại biểu cho rằng vấn đề này cũng cần phải đưa ra QH thảo luận. Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ các tiêu chí về việc thêm hoặc cắt bớt các dự án một cách công khai, minh bạch. Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri đã chất vấn đại biểu, tài chính đầu tư cho giao thông rất nhiều, nhiều con đường được xây dựng đắt nhất thế giới nhưng chất lượng không cao, mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Đại biểu cũng đề nghị QH cần có giám sát chuyên đề về giao thông để làm rõ tại sao nguồn đầu tư cho giao thông “đắt” như vậy và tại sao chất lượng thấp như vậy? Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần phải rà soát các dự án đã thực hiện. 

 

H.An - T.Cường

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác