Hội thảo về Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài - một số vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình

20/07/2012

Ngày 19 – 20.7, tại Vĩnh Long, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài và phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em biên giới – Những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ, việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện tượng kết hôn với người nước ngoài thông qua các hình thức môi giới hôn nhân bất hợp pháp không chỉ tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro đối với phụ nữ Việt Nam mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự xã hội như: nguy cơ mất cân bằng giới tính cục bộ tại một số địa phương; nhiều trường hợp môi giới kết hôn diễn ra dưới hình thức chọn vợ tập thể thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc... Theo nhiều đại biểu, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chủ yếu vì mục đích kinh tế; đa số phụ nữ này có trình độ văn hóa thấp, nhà nghèo, không tìm được việc làm trong nước nên xem việc kết hôn với người nước ngoài như một cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, do quá trình đi đến hôn nhân thường nhanh chóng, đơn giản thông qua môi giới bất hợp pháp; trước khi kết hôn, lại chưa được tư vấn đầy đủ để có những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nước sở tại nên phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhà chồng, cũng như trong việc hòa nhập cộng đồng; nhiều trường hợp bị rơi vào hoàn cảnh sống rất bất hạnh.

Năm 2005, Chính phủ đã ban hành chỉ thị 03 về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; các quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn cũng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn nên đã góp phần giảm và kiểm soát tốt hơn tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, quy định hiện hành về lĩnh vực này cũng còn nhiều kẽ hở cần sớm khắc phục. Ví dụ quy định về biện pháp phỏng vấn các đôi nam nữ trước khi đăng ký kết hôn được mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Khảo sát tại địa phương cho thấy, biện pháp này còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế xử phạt đối với cán bộ trực tiếp làm công tác phỏng vấn và công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài nếu có sai phạm xảy ra. Các đại biểu đề nghị, Bộ Tư pháp cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ trong vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài; Luật hóa các biện pháp phỏng vấn các đôi nam nữ trước khi kết hôn với người nước ngoài với các tiêu chí, hình thức phỏng vấn rõ ràng. Đồng thời, cần có cơ chế xác định trách nhiệm của người phỏng vấn và người công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài khi xảy ra sai phạm.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về thực trạng và các giải pháp phòng chống tội phạm mua bán người trong đó có phụ nữ và trẻ em qua biên giới; kinh nghiệm tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác