Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Phú Yên và Hải Dương

26/07/2012

Sáng 25.7, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành tỉnh Phú Yên về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đến nay, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có sự chuyển biến tích cực. Các quyết định hành chính về quản lý, sử dụng đất đai đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 226/45.122 khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số các quyết định. Các khiếu nại này tập trung chủ yếu vào việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Nguyên nhân là bởi, trên địa bàn tỉnh đang tiến hành xây dựng các công trình thuộc các dự án thủy điện, hồ chứa nước và nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình thuộc các dự án khác nhằm mục tiêu phát triển KT-XH, phúc lợi công cộng tăng lên. Quá trình lập hồ sơ quy hoạch, lập phương án bồi thường, hỗ trợ gặp không ít khó khăn do có những cá nhân tự ý khai hoang không lập các thủ tục theo quy định để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất lấn chiếm không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện để giải quyết bồi thường theo quy định nên đã phát sinh khiếu nại. Bên cạnh đó, trong quá trình thu hồi đất, các cơ quan, đơn vị, những người trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mục đích của việc thu hồi đất; một số chủ đầu tư chưa làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Hiện nay, Phú Yên đã giải quyết 100% các khiếu nại nêu trên. Phú Yên cũng không có vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài nào trong số 528 vụ việc được Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm hồi đầu năm nay.

Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận kết quả tích cực của UBND, các sở, ngành tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn. Một số thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý rằng, Phú Yên có xuất phát điểm là một tỉnh nghèo, nhiều khó khăn nên thời gian qua, tình hình khiếu nại, tranh chấp về đất đai không quá phức tạp. Số vụ việc khiếu nại trên địa bàn tỉnh vừa qua chỉ khoảng 0,5% tổng số quyết định hành chính về đất đai được ban hành. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển KT-XH, quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, công tác quản lý đất đai sẽ ngày càng nóng. Phú Yên cần dự báo được xu hướng phát triển của địa phương, quản lý chặt chẽ và chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, kịp thời kiến nghị các vướng mắc trong chính sách, pháp luật để Nhà nước xem xét, hoàn thiện để vừa bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển KT-XH chung vừa bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người dân. Làm tốt công tác tiếp dân và đối thoại với dân, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để nhân dân hiểu, đồng thuận và chấp hành nghiêm. 

Cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Hải Dương về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Báo cáo với Đoàn giám sát, tỉnh Hải Dương cho biết, từ năm 2003 đến 2011, tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 31.465 đơn thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai, trong đó các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai phát sinh  và thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu chủ yếu ở cấp huyện. Về cơ bản, các khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai đã được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các đơn thư này, cũng còn tình trạng giải quyết chậm, thiếu dứt điểm. Luật Khiếu nại và Luật Đất đai chưa có quy định thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa cơ quan hành chính và tòa án nhân dân nên việc thực thi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Hải Dương đề xuất, QH và Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, trong đó có nội dung về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Ghi nhận kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh cần đánh giá cụ thể hơn những hạn chế của Luật Đất đai và nêu rõ nguyên nhân cần sửa đổi nội dung về chế định khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Để làm rõ hơn về thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai ở địa phương, Hải Dương cần thống kê cụ thể số lượng quyết định hành chính về đất đai do tỉnh ban hành; tỷ lệ giải quyết đúng bằng quyết định hành chính và giải quyết sai? Đối với việc giải quyết các khiếu nại phức tạp, kéo dài, tỉnh nên đánh giá rõ nguyên nhân do chính sách, pháp luật, hay do công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn vướng mắc?...

Tại Hải Dương, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND huyện Cẩm Giàng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn.

 

B. Long - H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác