Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 2.766 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai. Thông qua việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị trả lại, bồi thường về đất và hỗ trợ công khai hoang cho công dân gần 2,6 tỷ đồng, 3.100m2 đất ở, gần 25 nghìn ha đất, khôi phục quyền lợi cho 16 công dân; thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng, thu hồi cho Nhà nước gần 2.700m2 đất ở, gần 177 nghìn m2 đất nông nghiệp và 20ha đất rừng; xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước gần 1,9 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật 78 cá nhân... Lý giải về việc số lượng khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của tỉnh tương đối nhiều, đại diện UBND tỉnh Gia Lai cho biết: tình trạng dân di cư tự do đến làm ăn tại các địa phương trên địa bàn khá phổ biến. Điều này đã dẫn đến việc lấn chiếm, mua bán đất trái phép, khiếu nại, tranh chấp diễn ra phức tạp, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, công tác đăng ký thống kê, lập hồ sơ địa chính chưa kịp thời cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Theo ghi nhận của các thành viên Đoàn giám sát, trong số các địa phương mà Đoàn đã làm việc thì Gia Lai có đặc điểm rất đặc thù: đông đồng bào dân tộc thiểu số với tập tục du canh, du cư còn khá phổ biến; tình trạng di dân ở nơi khác đến Gia Lai, cả di dân tập trung, theo kế hoạch của nhà nước và di dân tự do khá lớn nên công tác quy hoạch, quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn và dễ phát sinh các khiếu nại, tố cáo. Điều này đòi hỏi chính quyền cấp tỉnh ở Gia Lai cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết chính sách, pháp luật của Nhà nước để chính quyền cơ sở áp dụng thống nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của Gia Lai về những vướng mắc trong Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Và đề nghị, Gia Lai cần tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ chính quyền cấp tỉnh đến chính quyền cấp xã, phường trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; rà soát lại và nghiêm túc đánh giá tính đúng đắn, hợp lý và chưa hợp lý của các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật về đất đai do tỉnh ban hành. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tăng cường đối thoại với nhân dân để người dân hiểu và đồng thuận với chính sách, pháp luật của nhà nước. Xem xét lại năng lực tổ chức thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xây dựng đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất đai, tài sản trên đất tương đối sát với giá thị trường; rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Trước đó, sáng 26.7, Đoàn giám sát đã làm việc với Thành phố Pleiku, nghe báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn thành phố.
+ Cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Hưng Yên về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, thời gian qua, Hưng Yên đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai; giải quyết các vụ kiện tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng và tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai của cán bộ. Tuy nhiên, do nhận thức và hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật chưa sâu rộng nên tình trạng khiếu kiện, tố cáo sai còn chiếm tỷ lệ cao (45% tổng số vụ việc)...
Hưng Yên kiến nghị QH, Chính phủ sửa đổi, bổ sung thống nhất các quy định về giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, giải quyết tranh chấp đất đai giữa Luật Đất đai với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để các địa phương triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.
Đoàn giám sát cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đất đai phải bằng Luật Đất đai. Do vậy, trong quá trình thực thi, tỉnh cần đánh giá được các văn bản pháp quy, văn bản quy phạm pháp luật về khung giá đất; nêu rõ các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai do tỉnh ban hành có bao nhiêu quyết định đúng và bao nhiêu quyết định sai để rút ra những kiến nghị cụ thể trong chính sách, pháp luật về đất đai. Trong công tác thực thi, để xác định nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai kéo dài, tỉnh cần xem xét thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành ở địa phương có bị chồng chéo hay không? Bộ máy biên chế cán bộ ở tỉnh trong công tác giải quyết các thủ tục khiếu nại, tố cáo về đất đai đã phù hợp chưa? Đối với khiếu nại, tố cáo đông người, tình trạng cưỡng chế thu hồi đất, từ thực tiễn ở địa phương, Đoàn giám sát đề nghị Hưng Yên nêu kiến nghị và kinh nghiệm trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Tại Hưng Yên, Đoàn giám sát của UBTVQH đã nghe UBND thành phố Hưng Yên báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.