Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định: phát triển hợp tác xã là chủ trương lớn của toàn Đảng, toàn dân, là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, nhất là sự tham gia tích cực của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đánh dấu bước chuyển quan trọng trong khuyến khích phát triển hợp tác xã kiểu mới; Cương lĩnh Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, xây dựng khung pháp luật phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã; các chính sách, cơ chế đề ra phải hết sức cụ thể, thiết thực và khả thi để Luật có thể đi vào cuộc sống.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); trong đó, nhấn mạnh những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến định nghĩa, bản chất hợp tác xã, quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, vai trò của Liên minh hợp tác xã và chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Thời gian gần đây, hợp tác xã đang gặp một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết các hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc hoặc đã có trụ sở nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, hoạt động chưa mang tính ổn định. Đa số các hợp tác xã thiếu vốn nhưng chưa được hỗ trợ và không vay được vốn do thiếu tài sản thế chấp. Mặc dù vậy, thực tiễn hoạt động cho thấy việc thành lập hợp tác xã là nhu cầu tự thân; đây là hình thức tổ chức thích hợp để người lao động, nhất là nông dân liên kết sản xuất hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Không có hợp tác xã thì những hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ dễ bị tư thương ép giá; hợp tác xã thống nhất giá thu mua sản phẩm cho xã viên nên giá cả ít biến động. Hợp tác xã giám sát chất lượng sản phẩm, cam kết số lượng và là đầu mối ký hợp đồng, tập hợp người sản xuất trong các giao dịch với thị trường. Tuy nhiên, để hợp tác xã hoạt động hiệu quả thì dân chủ, công khai là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, việc cung ứng tốt dịch vụ đầu vào và bảo đảm thu mua đầu ra là điều kiện tiên quyết giúp bà con gắn bó với hợp tác xã. Hợp tác xã cũng phải có sự tự chủ về tài chính, xã viên phải có trách nhiệm góp vốn vào hợp tác xã, tránh tư tưởng tham gia hợp tác xã để được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Một số ý kiến cho rằng, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn nội dung thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ đối với hợp tác xã, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã; tỷ lệ sử dụng dịch vụ của các xã viên trong hợp tác xã như thế nào là hợp lý, có nên đưa quy định chung cho các loại hình. Cần tiếp tục hỗ trợ cho kinh tế tập thể nhưng phải phát huy được tính tự chủ, tự vươn lên của Liên minh Hợp tác xã và các hợp tác xã thành viên. Các chính sách cụ thể về đất đai, tài chính, tín dụng... cần có nghiên cứu sửa đổi để sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, tránh tình trạng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng không đi vào cuộc sống...