Hội thảo chuyên đề Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

12/10/2012

Ngày 11 - 12.10, tại Ninh Bình, Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của QH.

Hiến pháp và pháp luật hiện hành trao cho QH thẩm quyền lớn trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đến nay, giám sát vẫn bị xem là khâu yếu của QH. Nguyên nhân chủ yếu được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo là do, theo Hiến pháp và pháp luật, QH là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao nhưng thực tế, trong hầu hết các vấn đề lớn như phân bổ ngân sách, phê duyệt các kế hoạch phát triển KT - XH, các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia... tính thực quyền của QH chưa cao; trong khi đó, các ĐBQH cũng chưa có động lực phấn đấu hoàn thành chức trách của mình vì với cơ chế hiện nay, ĐBQH chưa phải thực sự chịu nhiều sức ép từ cử tri. Một nguyên nhân được nhiều ĐBQH nhấn mạnh là do sự nửa vời và tính hình thức của các cách thức thực thi quyền giám sát, hay còn gọi là bộ công cụ giám sát của QH. Các ý kiến này cho rằng, lâu nay, giám sát của QH đang bị bó hẹp trong các hình thức khá truyền thống như chất vấn tại Phiên họp toàn thể, hay xem xét báo cáo hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát của QH là Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề... Mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều hình thức giám sát mới được áp dụng như: tổ chức chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH, hay tổ chức thí điểm các phiên giải trình, điều trần tại các Ủy ban của QH, nhưng những hình thức giám sát mới này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Các đại biểu kiến nghị, cùng với việc triển khai có hiệu quả Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, cần nghiên cứu đổi mới bộ máy hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH để bảo đảm tính chuyên sâu trong hoạt động giám sát của các cơ quan của QH; cùng với đó là bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giám sát cho các ĐBQH, nhất là các ĐBQH kiêm nhiệm. Khẩn trương tiến hành sơ kết việc thực hiện thí điểm hoạt động điều trần tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, trên cơ sở đó, luật hóa hoạt động điều trần hiện nay theo hướng quy định rõ thẩm quyền, cách thức tiến hành, trình tự thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan và hậu quả pháp lý của hoạt động điều trần, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và thuận lợi cho hoạt động này; bổ sung việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn vào bộ công cụ giám sát của QH theo cả hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường theo đề nghị của ĐBQH hoặc một cơ quan của QH. Bên cạnh đó, cần đổi mới việc bầu cử ĐBQH theo hướng tăng cường hơn nữa trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri...

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác