Phiên họp thứ Mười hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012

18/10/2012

Ngày 16.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ: trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy hiệu quả. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với chỉ tiêu. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền, y tế có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, tai nạn giao thông giảm. Công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Chính phủ dự kiến, trong năm 2012 sẽ có 10 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch; 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đề ra. Đó là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, mục tiêu tổng quát được Chính phủ xác định là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, dù còn 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt theo Nghị quyết của QH, song trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn thì việc có triển vọng đạt và vượt 10 chỉ tiêu là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, cùng với việc nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 -2015, nên cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định.

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày đồng tình với dự toán thu ngân sách năm 2013 tăng 14,4% so với ước thực hiện năm 2012. Bởi tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 vẫn đứng trước nhiều khó khăn, sự phục hội sản xuất, kinh doanh còn chậm. Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước hạn hẹp, Chính phủ cần hạn chế việc ban hành chính sách chi mới, bãi bỏ kịp thời chính sách chi kém hiệu quả; cơ cấu lại các khoản chi trên tinh thần tiết kiệm; chủ động cắt, giảm những khoản chi chưa thực sự cấp bách; đồng thời làm rõ những nhiệm vụ cần ưu tiên.

Đánh giá về kế quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới phản ánh chung chung những tồn tại, hạn chế, chưa chỉ rõ sẽ gây sức ép như thế nào đến sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân. Do đó, các giải pháp điều hành trong ba tháng cuối năm còn chung chung, chưa nhìn rõ lối ra như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Chính phủ cần báo cáo với QH rõ những vấn đề phải xử lý được trong năm 2012. Trong đó, hàng tồn kho và nợ xấu có mối liên hệ mật thiết với nhau. Việc giảm hàng tồn kho sẽ giảm gánh nặng cho xã hội, từ đó giảm nợ xấu cho ngân hàng thương mại. Để tháo gỡ nút thắt này, theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, bên cạnh việc mở rộng thị trường mới, khai thác tiềm năng thị trường hiện có, thì cần chú ý đến các giải pháp để khuyến khích người dân tiêu dùng, nhất là dùng hàng Việt Nam. Và cần chú ý những vấn đề đang nổi lên như: bất động sản dư thừa song người có nhu cầu sử dụng vẫn chưa tiếp cận được; sản xuất công nghiệp có lượng hàng hóa tồn kho cao, trong khi nhiều công trình vẫn tạm dừng thi công dù sẽ phục vụ tốt cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Các Ủy viên UBTVQH đề nghị, Chính phủ cần đưa ra dự đoán về những điểm nổi bật trong tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2012, cũng như các vấn đề nổi lên trong giai đoạn phát triển vừa qua. Bởi có như vậy mới có thể nắm bắt nhanh nếu thời cơ đến, cũng như xử lý kịp thời diễn biến xấu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2013 sẽ nhích lên so với năm 2012, song không thể tăng đột biến. Bởi sức mua vẫn chưa thể tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khởi sắc hơn. Tuy nhiên, dư địa chính sách trong năm 2013 hẹp hơn so với thời gian trước nên cần tập trung xử lý ba vấn đề: hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng, thị trường - sức mua. Ba vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với nhau, trong đó thị trường - sức mua là chìa khóa giúp tháo gỡ hai vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho. Để thực hiện mục tiêu này cần kích hoạt vào điểm nút là thị trường bất động sản và sức mua của người dân.

Về đề xuất không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách có ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến nhất trí với phương án được Chính phủ trình, vì việc tăng lương tối thiểu đã được thực hiện 8 lần, góp phần giải quyết thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, người lao động. Trong bối cảnh cân đối ngân sách năm 2013 gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu, nên cần tính tới việc bố trí nguồn lực cho tăng lương cơ bản. Một số ý kiến đề nghị, để góp phần bảo đảm đời sống cho các đối tượng này cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ lên 30%. Nguồn bố trí tăng thêm khi thực hiện phương án này sẽ lấy từ việc tăng thu từ nội địa và dầu khí. Đồng tình với quan điểm này, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu câu hỏi: việc hoãn thực hiện tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) là lương cơ bản sẽ đáp ứng những nhu cầu sống tối thiểu của người lao động không?

 

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác