Bế mạc Phiên họp thứ Mười hai của UBTVQH

19/10/2012

* Thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng * Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân riêng, không nằm trong doanh nghiệp * Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: quy định về thu phí điều tiết điện lực là không thỏa đáng * Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013 - 2015: Cần kiên quyết cắt bỏ những chương trình, dự án thành phần chưa rõ mục tiêu hoặc mục tiêu hẹp

Chiều 18.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Mười hai.

Trước đó, sáng cùng ngày, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi lần này mở rộng đối tượng được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng với những bà mẹ có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về chế độ chính sách đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo hướng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng Bằng khen kèm theo Huy chương và được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng; được hưởng một khoản tiền một lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng; khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được tổ chức lễ tang trang trọng; kinh phí tổ chức lễ tang hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do nhà nước bảo đảm. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày. Về bản chất hợp tác xã, đa số ý kiến đại biểu tán thành với định nghĩa hợp tác xã như Điều 4 trong dự thảo Luật và cho rằng, quy định này đã thể hiện rõ bản chất của hợåp tác xã. Theo đó, hợp tác xã được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên hợp tác xã, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị cần làm rõ hơn bản chất hợp tác xã khác với doanh nghiệp và khẳng định ngay trong dự án Luật này quan điểm hợp tác xã không phải là doanh nghiệp để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác. Còn hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân riêng, không nằm trong doanh nghiệp. Mặt khác, hợp tác xã khác doanh nghiệp về mục đích thành lập. Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định mục đích thành lập của doanh nghiệp là kinh doanh thu lời, nhưng mục đích của hợp tác xã là đáp ứng nhu cầu chung của tập thể xã viên.

 Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Báo cáo tóm trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ đã tiếp thu, sửa đổi các nội dung về chính sách phát triển điện, chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực; chính sách giá bán điện... Đối với phí điều tiết điện lực, đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết có nên thu phí và lệ phí đối với hoạt động điều tiết điện lực hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, nếu thu phí đối với hoạt động này, thì cơ quan soạn thảo cần làm rõ từ trước đến nay, nước ta đã có thông lệ thu phí điều tiết hoạt động điện lực hay chưa? Và tính thiết yếu của việc thu phí điều tiết hoạt động điện lực là gì. Theo các Ủy viên UBTVQH, điều tiết điện lực là tác động của nhà nước vào các hoạt động điện lực và thị trường điện. Hoạt động điều tiết điện lực đã được quy định trong dự án Luật là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước và phải được ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc thu phí điều tiết hoạt động điện lực là không thỏa đáng.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015.

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp thứ Tám của UBTVQH. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị, cần tiếp tục giảm khoảng 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2013 - 2015 của 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực ở các chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi tổng kinh phí bố trí cho các dự án thành phần này là khá nhiều, tính lồng ghép giữa các chương trình chưa cao; để bảo đảm mức cân đối với ngân sách địa phương theo hướng ngân sách Trung ương ngang bằng với ngân sách địa phương.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ sẽ giảm vốn từ ngân sách Trung ương cho việc thực hiện 13 dự án thành phần này từ mức 14.111 tỷ đồng xuống còn 11.874 tỷ đồng. Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc tiếp tục giảm thêm 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2013 – 2015 cho 13 dự án thành phần đã nêu trên. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không phân bổ vốn cho một số tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn; đồng thời, bố trí kinh phí theo hướng ưu tiên cho các địa phương nghèo. Tiếp tục rà soát để đưa cơ cấu hợp lý lượng vốn từ ngân sách Trung ương phân bổ cho các chương trình mục tiêu, cũng như các bộ, ngành và địa phương.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với những đề xuất của Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Và đề nghị Chính phủ trên cơ sở nguồn lực tổng thể đã được QH thông qua, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ cam kết của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài và khả năng đóng góp của nhân dân. Cần có cơ chế quản lý và thường xuyên đánh giá, sơ kết việc thực hiện các chương trình này. Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, lượng vốn cắt giảm trong thực hiện 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực cần chuyển sang những dự án khác như chương trình 135, 30a...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần tiếp tục phê duyệt, phân bổ vốn cho các chương trình có kết quả thực hiện tốt như 135, 134, xây dựng nông thôn mới, nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm... Song, phải kiên quyết cắt bỏ những chương trình, dự án thành phần chưa rõ mục tiêu hoặc mục tiêu hẹp, để không làm ảnh hưởng đến chương trình khác. Để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chương trình này, cần xây dựng định hướng phân bổ ngân sách Trung ương trung hạn giai đoạn 2013 - 2015, để các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai công việc cũng như huy động các nguồn vốn đối ứng.

 

P. Thủy – H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác