Cần cơ chế đặc thù để phát triển thủ đô

07/11/2012

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật thủ đô sáng nay, 5-11, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội nói, cần nhìn nhận những cơ chế, chính sách ưu tiên cho thủ đô không phải là sự ưu ái mà là yêu cầu trách nhiệm, gương mẫu của người dân để chăm lo cho thủ đô phát triển.

Chưa rõ cơ chế, chính sách đặc thù nổi bật cho thủ đô

Tại Khoản 1, Điều 21 về chính sách cơ chế tài chính của dự thảo luật Thủ đô có ghi: "Ngân sách nhà nước ưu tiên phân bổ để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển thủ đô văn minh, hiện đại".

Đại diện cho Hà Nội, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, Nhà nước và các bộ, ngành, các địa phương, nhân dân cả nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho thủ đô thực hiện tốt trọng trách của mình thông qua các chính sách ưu tiên đầu tư về nguồn lực, cũng như các cơ chế chính sách đặc thù…

“Tôi nghĩ những chính sách ưu tiên như vậy không phải là sự ưu ái dành riêng cho nhân dân thủ đô mà đây phải được xem như là sự tự nguyện, sự gương mẫu của chính nhân dân thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước với thủ đô trong việc chăm lo cho thủ đô phát triển để phục vụ cho sự nghiệp chung”, đại biểu Đào Trọng Thi nói.

Còn đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội xây dựng phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm khoa học và văn hóa lớn nhất của cả nước, trong Luật Thủ đô có một số điều, khoản, cơ chế mang tính đặc thù, thậm chí là đặc biệt. Vì những đặc thù đó, phải có những yêu cầu rất khắt khe với Thủ đô Hà Nội so với các địa phương khác để làm gương, làm mẫu cho cả nước.

Đó là những chính sách xây dựng và phát triển thủ đô theo quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông, phát triển giáo dục và giữ gìn văn hóa, và đặc biệt, quản lý dân cư….

Đồng ý về việc cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù hơn để đầu tư xây dựng và phát triển thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác, song đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) lại cho rằng: “Rất tiếc là khi đọc dự thảo Luật thủ đô lần này, tôi vẫn chưa nhìn thấy những cơ chế, chính sách đặc thù nổi bật nào”.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, ban soạn thảo vẫn đưa ra những vấn đề như quản lý đất đai, giao thông, dân cư và một số vấn đề khác vào dự thảo luật. Theo ông, những vấn đề này là bức xúc chung của các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Nhìn sâu hơn thì những chính sách này không phải là mới, nó đã được đề cập trong Nghị quyết 15 ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Pháp lệnh thủ đô.

Mở rộng không gian bảo tồn văn hóa

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến những hành lang pháp lý để giúp thủ đô bảo tồn văn hóa. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, thủ đô đang cần các quy định về xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng Luật Thủ đô nên đề cập đến sông Hồng. Bởi đây là con sông Hồng hình thành nên kẻ chợ, giao thương quần tụ, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ và tạo nên cốt cách người Hà Nội. Sông Hồng đi qua Hà Nội thì không chỉ là một con sông, không chỉ là những bờ đê mà nó còn là một thứ riêng có của Hà Nội để tạo nên một thành phố đặc trưng.

Ý kiến này được nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai) tán thành. Ông nói: “Sông Hồng là một con sông mẹ, không những nó tạo nên cả một nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ mà bản thân kinh đô Thăng Long phát triển chính là nhờ con sông này. Có một thời gian dài, nhất là thời kỳ đô thị hóa từ thời thuộc địa, người ta đã phê phán Hà Nội trở thành một thành phố quay lưng lại với những dòng sông bởi những con đê. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng nếu đưa sông Hồng vào luật, sẽ điều chỉnh được cả quy hoạch xây dựng hai bên bờ con sông, vấn đề khai thác du lịch, khai thác giao thông…, để trở thành một lợi thế rất lớn đối với Thủ đô Hà Nội”.

Cũng liên quan đến văn hóa, đại biểu Dương Trung Quốc lưu ý rằng Thủ đô Hà Nội bây giờ không chỉ còn là Thăng Long xưa mà đã có cả một không gian gắn kết với nền văn hóa nữa có bề dày lịch sử và đặc sắc, đó là văn hóa xứ Đoài.

Bởi vậy, khi quy định những đối tượng trùng tu hay bảo vệ, phát huy di tích hầu như chỉ loanh quanh ở không gian trong lõi của Thăng Long xưa là không thích hợp.

Ông cũng cho rằng, đã là Trung tâm Thủ đô của đất nước thì phải là nơi tập trung thiết chế văn hóa rất quan trọng. Đối với Thủ đô không thể thiếu được bảo tàng tự nhiên như Bách thú, Bách thảo. Ngay người Pháp khi xây dựng Thủ đô Hà Nội, họ đã xây dựng nó như là một yếu tố ở cấu thành. Khi chúng ta sử dụng, những không gian ấy đã bị chuyển đổi chức năng hoặc thu hẹp lại.

Siết chặt nhập cư có thể nảy sinh tiêu cực

Theo phê duyệt của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030 dân số thành phố Hà Nội từ 9-10 triệu người, tuy nhiên với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020 dân số thành phố Hà Nội đã là 13-14 triệu. Trong khi mật độ dân của TP Hồ Chí Minh hiện nay khoảng 4.000 người/km2, thì ở quận Đống Đa, Hà Nội là 37.000 người/km2, quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/km2.

Để giảm mật độ dân cư nội thành, Luật đưa ra giải pháp quản lý dân cư khá chặt chẽ. Trong đó, quy định khắt khe những tiêu chuẩn nhập cư vào nội thành.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, trước khi chọn phương án, cần trả lời một cách thấu đáo câu hỏi: "Vì sao môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân lại thích kéo về thủ đô ?". Trong khi đó, tình trạng kẹt xe, nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, mật độ xe cá nhân của Hà Nội đã ở mức báo động. Các trung tâm ngoại ngữ giáo dục từ mẫu giáo đến đại học chất lượng cao, các khu chung cư, khu dân cư cao cấp, tòa cao ốc văn phòng, trụ sở công ty liên tục mọc lên.

Tất cả quy tụ về thủ đô, việc người dân tìm đến Thủ đô Hà Nội là chuyện hết sức bình thường. Để giải quyết vấn đề này, cần giải pháp tận gốc, đó là quy hoạch. Đại biểu đặt câu hỏi: “Phải chăng quy hoạch thủ đô có vấn đề ?”.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), nếu dùng biện pháp hành chính như quy định tại Điều 19 thì sẽ không có hiệu quả. Vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ.

Do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như “chạy” các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô. Còn những người nhập cư không chính thức sẽ phải đối mặt với các bất lợi trong việc làm, thu nhập, trong hưởng các phúc lợi xã hội khác do không có hộ khẩu tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), những quy định về hộ khẩu có thể dẫn đến tình trạng số người nhập cư do quan hệ huyết thống sẽ dễ dàng hơn những trường hợp có nhu cầu chính đáng. Dân số nội đô sẽ tăng do quan hệ huyết thống hay hôn nhân, có thể thật và giả. Sẽ có những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả để tìm cách nhập khẩu vào thủ đô, những tiêu cực trong việc nhập khẩu sẽ tăng lên.

Quan trọng hơn là xóa bỏ sự khác biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu để thủ đô có điều kiện thu hút nguồn nhân lực cao cấp, khách du lịch nước ngoài.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết, theo đánh giá cá nhân của ông, việc dự thảo luật đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế cư trú trong nội thành Hà Nội có thể coi đây là một bước thụt lùi trong công tác quản lý quy hoạch cũng như chất lượng làm luật.

“Hiện nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Nỗ lực áp dụng các biện pháp để cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo luật này lại đi ngược lại hoàn toàn, hạn chế quyền tự do cư trú của công dân và đưa ra hàng loạt các điều kiện kèm theo nếu muốn được thường trú tại nội thành Hà Nội.

Luật Cư trú năm 2008 đã thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 10 Luật Cư trú là các hành vi bị hạn chế quyền tự do cư trú không quy định trường hợp hạn chế nào đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội.

Đại biểu Đào Trọng Thi tán thành ý kiến cho rằng việc điều tiết vấn đề nhập cư phải bằng những giải pháp kinh tế xã hội. Nhưng theo ông, trong hoàn cảnh thủ đô còn rất hạn chế và khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện sinh sống, việc áp dụng bổ sung những biện pháp mang tính chất hành chính cũng rất cần thiết.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho biết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cơ bản đã nhất trí với ý kiến trong Tờ trình của Chính phủ. Dự thảo luật cũng nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ trong phiên họp xem xét về dự thảo luật và đã được đánh giá là đủ điều kiện để trình ra Quốc hội xem xét, thông qua lần này.

 Tuy vậy, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ mối băn khoăn có từ kỳ họp của Quốc hội khóa trước, lẽ ra Luật thủ đô phải có nền tảng, đó là một luật về đô thị, trong luật về đô thị ấy có một cái lõi là chính quyền đô thị. “Nếu quả thật có một luật đô thị rồi thì chúng ta mới đặt vị trí của Luật Thủ đô trên nền tảng ấy thì chúng ta phát triển tương xứng với những đặc thù và vị thế của nó’- ông nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, đến lần này, các nhà soạn thảo đã cố gắng thay đổi, điều chỉnh và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp xã hội để có một văn bản dự thảo khả thi hơn.

Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 21-11.

 

 

MINH- VÂN

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác