Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 và hai dự án luật

09/11/2012

Hôm qua, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khoá XIII sang ngày làm việc thứ 15. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về hai dự án luật: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013. Phần lớn ý kiến các đại biểu QH tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng, trong năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc của QH ngày một tăng, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan QH, các đoàn đại biểu QH và các đại biểu QH, hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, có tiến bộ; hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng... Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nam Ðịnh), Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho rằng, việc đánh giá việc thực hiện hoạt động giám sát của QH còn chung chung, chưa sát với tình hình, có nội dung chưa phù hợp, vì khối lượng, nội dung giám sát của các đoàn đại biểu QH ở các địa phương nhiều và khác nhau, vì vậy muốn đánh giá hoạt động giám sát phải sau một năm mới cho kết quả chính xác. Trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, cần coi trọng việc đánh giá thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, việc ban hành các văn bản dưới luật, vì từ trước đến nay, các văn bản dưới luật thường ban hành không kịp thời và đồng bộ...

Ðể thực hiện tốt Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013, đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu đề nghị QH cần tăng cường hoạt động giám sát đi đôi với không ngừng đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng công tác giám sát; tránh tình trạng giám sát các nội dung trùng lặp, giảm bớt phiền hà cho địa phương... Mặt khác, coi trọng công tác giám sát ở cơ sở, cần thu thập ý kiến của nhân dân, khắc phục tình trạng chỉ dựa vào báo cáo.

Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định hai trong ba nội dung để tiến hành giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2013. Phần lớn ý kiến đại biểu đồng tình đề nghị QH trong năm 2013, cần tập trung tiến hành giám sát hai nội dung: Chuyên đề 1, là việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; Chuyên đề 2, là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012. Ðồng thời, cần giám sát giá, nhất là giá xăng, dầu để xem lỗ, lãi thật hay giả, có hay không việc thao túng thị trường? Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, ngoài giám sát hai nội dung kể trên, đề nghị QH cần bổ sung thêm nội dung giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Vì đây là chính sách rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, hơn nữa hiện nay, nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH với khối lượng lớn; công tác quản lý bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc còn nhiều yếu kém..., dẫn tới mất cân đối thu chi trong hoạt động BHXH. Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) và một số đại biểu cho rằng, hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn còn nhiều bất cập; tình trạng lâm tặc phá hoại rừng đầu nguồn, một nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu, rồi chính sách với những người bảo vệ rừng chưa phù hợp... Do vậy, QH cần quan tâm đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã tiến hành bỏ phiếu thông qua mục tiêu tổng quát năm 2013, với số phiếu tán thành 452 phiếu, bằng 90,76% tổng số đại biểu QH; QH bỏ phiếu thông qua 15 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2013 với số phiếu tán thành 455 phiếu, bằng  91,37% tổng số đại biểu QH.

QH đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với số phiếu tán thành 457 phiếu, bằng 91,77% tổng số đại biểu QH.

Ðầu tư phát triển mạnh khoa học, công nghệ

Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) (KH và CN), phần lớn các đại biểu khẳng định về sự cần thiết sửa đổi Luật KH và CN như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Ðiều 5 của dự thảo Luật đề cập nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển KH và CN được nhiều đại biểu QH nhất trí, đồng thời đề nghị quy định rõ hơn chính sách huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH và CN, trách nhiệm của Nhà nước và vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư cho KH và CN và ứng dụng đổi mới công nghệ. Có ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn các lĩnh vực KH và CN cần ưu tiên đầu tư, như đầu tư cho KH và CN trong lĩnh vực quản lý xã hội, bảo vệ Tổ quốc, an ninh - quốc phòng; quy định cụ thể các chính sách phát huy nhân lực, nhân tài cho KH và CN; chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH và CN hiện nay là cơ chế tài chính. Việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KH và CN cho phù hợp với đặc thù của hoạt động KH và CN là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan các văn bản pháp luật về tài chính, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, các đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề nghị cần có quy định có tính đột phá, đổi mới cơ chế tài chính cho KH và CN...

Doanh nghiệp KH và CN là một loại hình tổ chức đặc biệt được quy định tại Ðiều 20, 21 của dự thảo Luật nhằm khuyến khích việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH và CN. Tuy nhiên, tại Ðiều 10, dự thảo Luật không coi doanh nghiệp KH và CN là một loại hình tổ chức KH và CN. Về vấn đề này, có ý kiến nhất trí với việc thành lập doanh nghiệp KH và CN nhưng cho rằng, dự thảo Luật chưa có định nghĩa về doanh nghiệp KH và CN. Bên cạnh đó, những điều kiện công nhận doanh nghiệp KH và CN quy định tại Ðiều 20 dự thảo Luật chưa làm rõ được sự khác biệt của doanh nghiệp KH và CN với những loại hình doanh nghiệp khác, dễ dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp KH và CN để được hưởng ưu đãi và việc quản lý có thể gặp khó khăn. Có đại biểu đề nghị không nên thành lập doanh nghiệp KH và CN vì bản chất các doanh nghiệp là phải tìm cách nắm bắt, đổi mới công nghệ để tạo ra được giá trị sản phẩm cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp dành tỷ lệ thích hợp lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH và CN hoặc hình thành quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp; đồng thời quy định cơ chế phù hợp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn kinh phí này...

Ðề cao trách nhiệm, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai

Thảo luận về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn một số điều khoản quy định chung chung, quy định trách nhiệm của các cơ quan chưa được rõ, chưa nhất quán, khó khả thi. Ðồng thời cần đề cập, nhấn mạnh hơn các nội dung, hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến, Luật này cần được xây dựng, triển khai kết hợp Luật Ðất đai, Luật Bảo vệ môi trường nhằm tăng cường sức mạnh, hiệu quả phòng, chống thiên tai và bảo vệ tài sản của đất nước, của nhân dân, trong đó chú trọng bảo vệ rừng phòng hộ, giữ gìn quỹ đất nông nghiệp...

Về quỹ phòng, chống thiên tai, dự thảo Luật quy định hai loại quỹ, gồm: Quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (khoản 2, Ðiều 8) và Quỹ Phòng, chống thiên tai (khoản 3, Ðiều 8 và Ðiều 9). Có ý kiến cho rằng, dự thảo chưa làm rõ đối với Quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì việc quản lý, sử dụng như thế nào; đối với Quỹ phòng, chống thiên tai phải là quỹ bắt buộc và sẽ bao gồm các loại thu gì, quỹ được thành lập ở cấp nào, việc quản lý, đối tượng miễn trừ... Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ về hai loại hình quỹ này và đưa ra những quy định sát thực tiễn, khả thi.

Ðối với Ðiều 30 quy định về trách nhiệm trong ứng phó thiên tai, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của "cơ quan cấp trên", "cơ quan chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai" khi nhận được thông tin báo cáo, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong ứng phó thiên tai; cơ chế phối hợp trong chỉ đạo, thực hiện PCTT trên địa bàn; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Ðại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị dự thảo Luật cần có quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.

Một số đại biểu nêu ý kiến, dự thảo Luật quy định bốn đối tượng có thẩm quyền huy động nguồn lực phục vụ cho hoạt động ứng phó thiên tai, nhưng lại không quy định rõ sự khác biệt giữa các cấp độ trong huy động nguồn lực. Vì vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ để phân cấp thẩm quyền giữa các cơ quan nói trên để việc sử dụng nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả. Về hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai (Ðiều 33), dự thảo Luật đã quy định tám hoạt động nhưng không rõ cơ quan nào có thẩm quyền để triển khai các hoạt động này. Vì vậy, có ý kiến đề nghị  cần phân định rõ trách nhiệm của các nhóm chủ thể trong khắc phục hậu quả thiên tai...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác