Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

14/03/2013

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số vấn đề lớn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị được tổ chức nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết và trọng trách của mỗi vị đại biểu Quốc hội trong việc góp những ý kiến cụ thể, thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập, sau hai tháng rưỡi triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm như: Vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước (Điều 6); Quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4; Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II); về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III)…

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, cơ bản ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi đến đều tán thành với nội dung Chương I. Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

Theo Ban biên tập, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.

Quan điểm này được các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí cao. Đồng tình việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết, song đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung một điểm là Đảng phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức Đảng. Theo đại biểu, Đảng muốn giữ vai trò lãnh đạo thì nhất thiết phải thực hiện công tác này.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung “Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Theo đại biểu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, vì vậy cần quy định rõ quy chế thực hiện giám sát Đảng.

Xem xét thu hồi đất phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội

Chương III (về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường) của Dự thảo cũng được nhân dân quan tâm, tập trung cho ý kiến về chế độ sở hữu về đất đai, cơ chế thu hồi đất.

Cụ thể, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về dất đai. Tuy nhiên, theo Ban biên tập, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền là chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam. Điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. “Điều này vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai” – Trưởng Ban biên tập Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Về cơ chế thu hồi đất, có một số ý kiến cho rằng, nếu quy định trong Hiến pháp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. Đồng chí Phan Trung Lý cho rằng đây là một ý kiến cần được tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định.

Tăng tính tự chủ cho chính quyền địa phương

Về chính quyền địa phương (chương IX), Dự thảo xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) của Hiến pháp năm 1992 và quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định để phù hợp với nhu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đất nước trong cùng thời kỳ.

Theo Trưởng Ban biên tập Phan Trung Lý, qua theo dõi bước đầu có hai loại ý kiến về những quy định ở Chương chính quyền địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp tán thành với quy định về chính quyền địa phương một cách khái quát như Dự thảo, những nội dung cụ thể sẽ do luật định. Một số ý kiến đề nghị làm rõ ngay trong Hiến pháp mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng cường tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn.

Quan tâm tới Chương này, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan điểm xây dựng tổ chức chính quyền địa phương là nhiệm vụ quan trọng nhất của lần sửa đổi Hiến pháp này. Theo Điều 115 Dự thảo, các đơn vị hành chính lãnh thổ được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng không nhất thiết có 4 cấp chính quyền như trên mà chỉ cần cấp Quốc gia, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở.

Liên quan đến phần ngân sách (Điều 59 mới), đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần tách rạch ròi ngân sách quốc gia và địa phương. Ngân sách quốc gia gồm 2 phần: ngân sách trung ương và ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương sẽ do Quốc hội quyết định. Ngân sách địa phương do địa phương quản và quyết định, Quốc hội không can thiệp, đại biểu phân tích. “Cái gì một đồng do trung ương trợ cấp là Quốc hội quyết định, còn cái gì 1.000 đồng thuộc địa phương thì địa phương tự quyết. Nếu giải quyết được vấn đề này trong Hiến pháp thì sẽ không còn cơ chế xin – cho nữa” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cũng trong phiên họp sáng nay, các đại biểu còn đóng góp ý kiến cho các vấn đề về quyền con người; tổ chức bộ máy nhà nước; Quốc hội; Chính phủ; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân … trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

 

Kim Thanh

(http://dangcongsan.vn/)

Các bài viết khác