Tập huấn Đại biểu dân cử với chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi

27/04/2013

Ngày 25 – 26.4, tại Sơn La đã diễn ra Hội nghị tập huấn Đại biểu dân cử với chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi.

Phát triển vùng dân tộc, miền núi là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước. Từ Hiến pháp năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1956, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều có quy định về dân tộc và khu vực miền núi. Hiện nay, cả nước có 40 chính sách đã và đang được triển khai ở vùng dân tộc, miền núi gồm: phát triển kinh tế - xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đời sống và hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách về đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa; chính sách đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển các dân tộc ít người, đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu dự Hội nghị nhấn mạnh: các đại biểu dân cử, nhất là đại biểu vùng dân tộc, miền núi có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về dân tộc, miền núi của QH, HĐND. Các đại biểu dân cử vùng dân tộc, miền núi là người sống và làm việc tại địa phương nên hiểu địa bàn; gần gũi và hiểu được các phong tục, tập quán, tiếng nói của người dân tộc, nắm rõ thực tế cuộc sống của người dân trên địa bàn và có điều kiện mang thực tiễn đó vào nghị trường, chuyển hóa thành các chính sách, pháp luật giúp khu vực này phát triển. Tuy nhiên, đại biểu dân cử vùng dân tộc, miền núi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động như: địa bàn rộng, giao thông, đi lại khó khăn; đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên ít thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử. Những khó khăn này cũng hạn chế hiệu quả tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về dân tộc và miền núi của các đại biểu. Để đại biểu dân cử đóng góp hiệu quả hơn cho quá trình xem xét, quyết định chính sách về dân tộc, miền núi, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là đại biểu tại các vùng dân tộc, miền núi cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm về vai trò, thẩm quyền của mình; chuẩn bị tốt từ hình thức đến nội dung khi tham gia các hoạt động của QH, HĐND; trao đổi kinh nghiệm với các đại biểu khác, cũng như với cử tri để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động...

Nhân dịp này, các đại biểu dự Hội nghị cũng đã đi thực tế tại Nhà máy Thủy điện Sơn Lan; thăm bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La – bản điển hình về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác