Hiến định mô hình chính quyền địa phương tinh gọn

05/06/2013

Chiều 4/6, tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến nhiều về những nội dung: các thành phần kinh tế; tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương.

Nâng cao hiệu quả nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa

Việc chọn lựa có hay không đặt kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm đất nước, nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong buổi thảo luận chiều nay.

Nhiều ý kiến chọn lựa phương án ghi trong dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”

Tán thành với sự lựa chọn này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, hiện nay nền kinh tế Việt Nam gồm 5 thành phần kinh tế; nhưng trong đó chỉ duy nhất kinh tế Nhà nước mới có thể giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế. Bởi, khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ những lĩnh vực then chốt, quan trọng nhất của đất nước, đảm bảo điều tiết cho nền kinh tế trong thời bình cũng như thời chiến.

Cũng lựa chọn phương án trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng quy định như vậy thể hiện rõ bản chất nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại biểu mong muốn, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần công khai quy định bản chất của nền kinh tế, lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo.

Cũng đề nghị theo hướng này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, việc hiến định rõ vai trò các thành phần kinh tế là cần thiết. Theo đại biểu, quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn bởi chính thành phần kinh tế này là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh; đồng thời quy định như vậy cũng sẽ mở đường, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có quan điểm khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chọn phương án 3 như trong Dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.” Đại biểu cho rằng nền kinh tế có cạnh tranh lành mạnh, có sự phân bố hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước và xã hội; đồng thời có điều kiện thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cùng ý kiến này, đại biểu Đặng Thành Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định: Kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu dẫn chứng, rất nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới đều thành công trên nền tảng kinh tế trong nước là nòng cốt. Việc quy định như vậy cũng mở ra cơ hội để hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam vươn lên tầm quốc tế.

Tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương

Nội dung chính quyền địa phương cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến trong buổi làm việc chiều nay. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo hiến định việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá những đề án thí điểm liên quan đến chính quyền địa phương trước khi thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, thực tế cho thấy, việc quy định một mô hình đồng nhất ở ba cấp trên các địa bàn giống nhau là không hợp lý, bất cập, nên cần thiết phải thay đổi. Yêu cầu quản lý Nhà nước ở mỗi địa bàn là khác nhau, đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định theo hướng xây dựng mô hình chính quyền địa phương một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa của mỗi vùng, miền.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) băn khoăn rằng vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền các cấp là vấn đề lớn. Nếu giữ như mô hình hiện nay, thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới bộ máy chính quyền cơ sở theo xu thế tình hình phát triển đất nước.

Dẫn chứng, một số địa phương đã tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường, các đại biểu Bùi Văn Xuyền, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết trong quá trình thí điểm không xảy ra những vấn đề bất thường, kinh tế-xã hội của địa phương vẫn phát triển tốt, an ninh, chính trị vẫn ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo.

Hoan nghênh việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu tốt ý kiến đóng góp của nhân dân về chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tán thành quan điểm xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo đặc thù. Đại biểu phân tích rằng ở các đô thị lớn, không nhất thiết phải có nhiều cấp chính quyền, vì có tính liên thông cao. Việc giảm các cấp chính quyền sẽ giảm được biên chế, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, cần tổng kết thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp quận, huyện, phường để định hình rõ bộ máy này. Đại biểu đề nghị, cần hiến định chính quyền địa phương với các yếu tố cấu thành như có cơ chế thành lập cụ thể, chức năng, bộ máy, cần thực quyền, chuyên nghiệp, không chồng chéo, trùng lắp, không cào bằng ở mọi cấp hành chính.

Tổng kết hai ngày thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có 86 đại biểu phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã quan tâm, góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; khẳng định ý kiến góp ý của cử tri đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, tổng hợp một cách khoa học để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 lần này.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng hoan nghênh và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian tới với mong muốn có bản dự thảo đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới./.

 

Quang Vũ-Hồng Cường (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác