Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa

06/08/2013

Chiều 2.8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo Tờ trình dự án Luật do đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải trình bày, Luật Giao thông đường thủy nội địa được QH thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2005 đã tạo cơ sở pháp lý, đưa hoạt động giao thông đường thủy nội địa cũng như quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từng bước đi vào ổn định. Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành, Luật đã bộc lộ những hạn chế cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như một số quy định về không còn phù hợp với thực tế.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương Đảng Khóa XI, Hội nghị lần thứ IV về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Về phạm vi điều chỉnh dự án Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Liên quan đến quy định về quản lý khai thác bến cảng, bến thủy nội địa, Điều 13a quy định về bến thủy nội địa tại dự thảo Luật cần phân biệt rõ bến thủy nội địa là độc lập hay là một khu cảng của cảng, hay là công trình bến. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần bổ sung, chỉnh sửa quy định cảng hành khách và cảng hàng hóa, bến dân sinh cho đầy đủ, rõ ràng. Đối với quy định về quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa,  Thường trực Ủy ban đề nghị, cần quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; trách nhiệm và thẩm quyền công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia, quy hoạch đường thủy nội địa, việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý đường thủy nội địa.

+ Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo khoa học về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, qua gần 9 năm triển khai thực hiện, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Công tác quy hoạch xây dựng đã được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng được tăng cường, bước đầu đã đi vào nền nếp. Ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đã được chấn chỉnh, bảo đảm... Tuy nhiên, hiện nay Luật Xây dựng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Luật chưa quy định về các cách thức quản lý đối với các nguồn vốn đầu tư khác nhau; công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bị coi nhẹ; trao nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình dẫn đến việc lãng phí, thất thoát vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Luật hiện hành cũng bộc lộ bất cập về cấp phép xây dựng, đối tượng phải xin cấp phép; loại và nội dung giấy phép; điều kiện để cấp phép; hồ sơ xin cấp phép... Đặc biệt, về điều chỉnh giấy phép, Luật hiện hành chưa nêu cụ thể trường hợp khi điều chỉnh thiết kế đến mức độ nào thì phải xin cấp giấy phép điều chỉnh, dẫn đến việc thực hiện không thống nhất.

H.Ngọc - C.Tuấn

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác