Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự phiên họp toàn thể lần thứ Tám của Ủy ban Tư pháp

09/08/2013

Sáng 7.8, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể lần thứ Tám để thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.

Theo Tờ trình về dự án Pháp lệnh, thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời gian qua cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Tòa án. Quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa còn tản mạn và chưa cụ thể. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự chỉ có quy định việc xử lý đối với hành vi gây rối trật tự phiên tòa (Điều 198, Bộ luật Tố tụng hình sự). Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định chung về việc nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Chương XXXII của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, nhưng chưa quy định về thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án mà vấn đề này QH giao UBTVQH quy định (Điều 390). Năm 2012, QH đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định thẩm quyền của Tòa án trong xử lý vi phạm hành chính nhưng xử lý đối với loại hành vi gì thì lại chưa quy định. Từ thực tế đó dẫn đến thực tiễn Tòa án chỉ xử lý một số trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa, còn hầu hết các trường hợp cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án hiện chưa bị xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng giải quyết các vụ việc, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc quá hạn luật định. Thực tế này cho thấy sự cần thiết ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hành vi, hình thức, mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý và thi hành quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, tạo điều kiện để Tòa án giải quyết các vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với sự cần thiết và cơ sở pháp luật ban hành Pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, tạo cơ sở pháp luật cho Tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức thực hiện thống nhất. Tuy nhiên, đi vào những nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp chưa tán thành với tên gọi của dự thảo Pháp lệnh theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, Ban soạn thảo đã thay đổi tên gọi của dự án Pháp lệnh so với tên gọi (Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân) ghi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhưng chưa lý giải rõ vì sao thay đổi tên gọi của Pháp lệnh.

Điều 1, dự thảo Pháp lệnh quy định: Pháp lệnh này quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp (sau đây gọi chung là Tòa án) kể từ khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền cho đến khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Với phạm vi điều chỉnh này, một số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, chưa xác định rõ nội hàm xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là xử lý theo trách nhiệm gì: trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm dân sự? Đồng thời cũng chưa làm rõ được các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là hành vi thuộc loại vi phạm nào? Có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không? Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án có mối liên hệ gì với hành vi vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật tố tụng hiện hành. Ủy ban Tư pháp đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề nêu trên; rà soát các điều, khoản khác để chỉnh sửa cho phù hợp, nâng cao chất lượng của dự thảo Pháp lệnh, bảo đảm dự thảo Pháp lệnh sau khi được UBTVQH xem xét, cho ý kiến và thông qua sẽ thực sự phát huy hiệu quả.

 

Ngọc Điệp

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác