Phát biểu của PHÓ CHỦ TỊCH QH HUỲNH NGỌC SƠN Khai mạc Hội nghị Tổng kết hoạt động giám sát của QH, UBTVQH theo Luật Hoạt động giám sát của QH năm 2003

09/08/2013

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý,

 

Thưa toàn thể các đồng chí,

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí đến dự Hội nghị “Tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003” được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng. Lời đầu tiên, tôi xin chúc các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công.

Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Thực hiện Kế hoạch số 360/KH-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị “Tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003” với mục đích đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xác định nguyên nhân của những mặt được, chưa được để từ đó kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu mới, ngày càng cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, đã được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quy định, trong đó quan trọng nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực giám sát. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện (8.2003-7.2013), cùng với những kết quả đạt được, trước những thay đổi và yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng tình hình mới, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, để từ đó, có cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho hoạt động giám sát của Quốc hội đạt được hiệu lực, hiệu quả cao hơn, gắn kết hơn với cuộc sống và đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, yêu cầu của thực tế cuộc sống và mong mỏi của nhân dân.

Có thể thấy rõ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 đã quy định tương đối cụ thể nhiều nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó nổi lên các nội dung về chủ thể giám sát, cơ quan chịu sự giám sát, về thẩm quyền, phạm vi, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động giám sát; các hình thức giám sát; hệ quả pháp lý từ hoạt động giám sát; quy định việc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quy định về nguyên tắc, quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát...

Trên cơ sở quy định của Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã có những chuyển biến khá rõ nét. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - ngân sách, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ đến công tác tư pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cách thức tổ chức giám sát của Quốc hội ngày càng được cải tiến, hoàn thiện theo hướng tăng cường hoạt động giám sát tối cao; xem xét báo cáo của các cơ quan kết hợp với giám sát tại địa phương, cơ sở; vừa thực hiện giám sát thường xuyên, vừa giám sát theo chuyên đề. Trong đó, nổi bật là các hình thức giám sát thông qua hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề, với nhiều cải tiến và nội dung thiết thực. Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát được tăng cường hơn. Các nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát đã phản ánh sát thực và khách quan tình hình thực tiễn, nêu rõ những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những yếu kém trong quản lý, điều hành. Hoạt động giám sát đã mang lại kết quả thiết thực; góp phần giúp các cơ quan chịu sự giám sát và cả cơ quan giám sát thấy rõ hơn trách nhiệm liên quan, thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội hoan nghênh, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được của Luật, thực tế cho thấy, quy định của Luật hiện hành vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: phạm vi giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn rộng, chưa thật rõ; trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm sau giám sát của các chủ thể còn chung chung; có quy định còn chưa phù hợp, có quy định chưa được thực hiện trong thực tế, có những việc trong thực tế đã triển khai có hiệu quả nhưng lại chưa được quy định trong Luật; quy trình, thủ tục nhiều hoạt động còn thiếu hoặc chưa rõ... dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát như giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát qua xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo... hiệu quả đạt được còn chưa cao; hiệu lực thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát còn hạn chế.

Trong những hạn chế trên, có nguyên nhân từ quy định của pháp luật hiện hành; nhưng có hạn chế lại có nguyên nhân từ mô hình, tổ chức bộ máy, từ nhận thức của hệ thống chính trị, của xã hội, từ một số điều kiện bảo đảm...

Thưa quý vị đại biểu,

Với cách đặt vấn đề như trên và yêu cầu, mục đích đặt ra, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, cho ý kiến về hoạt động giám sát của hai chủ thể chính là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát năm quy định hoạt động giám sát chính của Quốc hội và sáu quy định hoạt động giám sát chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thể hiện tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Hoạt động giám sát của các chủ thể khác sẽ được bàn kỹ hơn tại một số hội nghị khác. Các đề xuất, đánh giá cần xuất phát từ thực tiễn khách quan trong hoạt động giám sát, đồng thời gắn với những yêu cầu đang đặt ra trong đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng như những đòi hỏi khách quan của đời sống và bối cảnh thực tế của đất nước.

Về phương pháp tiến hành, trên cơ sở dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, chúng ta sẽ nghe các chuyên gia trình bày một số tham luận có tính chất chuyên sâu, trọng tâm. Đề nghị các vị đại biểu thảo luận về thực trạng hoạt động giám sát, nguyên nhân đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và các yếu tố ảnh hưởng khác; từ đó, đánh giá những mặt được, chưa được của Luật hiện hành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể của Luật.

Hội nghị dự kiến chỉ tiến hành trong hai ngày, ngày 8 và 9.8.2013. Hội nghị không thể bố trí để trình bày hết được các tham luận, mong các tác giả hết sức thông cảm. Ban tổ chức Hội nghị đã in đầy đủ các tham luận và dự thảo Báo cáo để gửi đến đại biểu. Với thời lượng không nhiều nhưng nội dung lại rộng và quan trọng, tôi đề nghị các đại biểu hết sức quan tâm, bố trí công việc để tham gia đầy đủ thời gian theo kế hoạch tổ chức Hội nghị... Mong các đồng chí với ý thức trách nhiệm, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ để Hội nghị thành công, qua đó góp phần xứng đáng vào việc tổng kết và sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn.

 

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác