Hội nghị tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa

12/08/2013

Ngày 9.8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức Hội nghị tham vấn Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ VH, TT và DL, từ năm 2010, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tiếp tục được nghiên cứu xây dựng. Chỉ trong 3 năm qua, đã có 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư của Bộ VH, TT và DL được ban hành. Hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể sáng tạo, tương thích với luật pháp quốc tế; qua đó thu hút sự tham gia tích cực của toàn xã hội và tranh thủ sự ủng hộ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa còn chậm và chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách do thực tế sôi động đặt ra. Trên cả nước còn khá nhiều di tích đang bị vi phạm, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại các di tích ở đồng bằng và trung du Bắc bộ, những năm qua đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ đưa cổ vật ra nước ngoài trái phép. Việc quản lý và sử dụng nguồn thu ở phần lớn các di tích còn nhiều bất cập, chưa minh bạch, thậm chí không được tái đầu tư để tu bổ di tích mà sử dụng vào các mục đích khác...

Về phân cấp quản lý di sản văn hóa, hiện nay có nhiều mô hình quản lý di tích khác nhau: mô hình đơn vị trực thuộc bộ, ngành, mô hình đơn vị trực thuộc UBND cấp tỉnh, mô hình đơn vị trực thuộc Sở VH, TT và DL, mô hình Ban quản lý di tích trực thuộc huyện, mô hình Ban quản lý di tích do xã thành lập. Một số đại biểu dự Hội nghị đề nghị thống nhất mô hình quản lý di sản văn hóa ở từng cấp, đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, trong đó quy định rõ chức năng, quyền hạn. Đại diện lãnh đạo Bộ VH, TT và DL khẳng định, Bộ sẽ sớm ban hành hướng dẫn để kiện toàn bộ máy quản lý di tích ở địa phương theo nguyên tắc: tăng cường cán bộ chuyên môn, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; di tích dù cấp nào quản lý cũng có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính.

Về việc gắn kết hoạt động bảo tồn di sản với hoạt động du lịch, từ thực tế doanh thu bán vé tại các di sản văn hóa như cố đô Huế (khoảng 100 tỷ đồng năm 2012), Hội An (61 tỷ đồng), di tích đền thờ Bà Chúa Xứ, An Giang (70 tỷ đồng)..., các đại biểu cho rằng, đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xu hướng phát triển du lịch di sản gắn với cộng đồng dân cư là hướng đi cần được quan tâm. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước, và chính nguồn thu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.

Hội nghị cũng bàn về các vấn đề: khoanh vùng, cắm mốc, xếp hạng và bảo vệ di tích; trùng tu, tôn tạo di tích; quản lý cổ vật; xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Ng. Anh

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác