Việt Nam đóng góp tích cực, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm trong 6 tháng đầu tiên là Uỷ viên không thường trực HĐBA

05/07/2008

Nhân dịp tròn 6 tháng Việt Nam tham gia HĐBA LHQ với tư cách Uỷ viên không thường trực; chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ từ 1/7/2008, VOVNEWS trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phạm Gia Khiêm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao nhìn lại chặng đường đã qua.

Tại Khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 10/2007, Việt Nam đã trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao ngay tại vòng đầu.

Kết quả này thể hiện vị thế ngày càng được coi trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tín nhiệm và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với đóng góp của Việt Nam vào công việc của cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ. Đây cũng là thành công quan trọng trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước. Ở cương vị là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam có cơ hội đóng góp tích cực hơn vào công cuộc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới, tăng cường quan hệ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, qua đó đảm bảo môi trường an ninh của chính mình, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Trở thành thành viên của HĐBA là một vinh dự lớn lao, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. HĐBA là cơ quan được LHQ trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong quá trình tham gia, ta phải trực tiếp và thường rất khẩn trương cùng các nước xử lý nhiều vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều nước,  nhiều giai tầng xã hội của mỗi nước liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu hướng chủ đạo trên thế giới, song xung đột cục bộ vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại Trung Đông, châu Phi. Trong khi nhiều cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm chưa có giải pháp, căng thẳng mới lại tiếp tục nảy sinh.    nhiều nơi, quá trình tái thiết sau xung đột gặp khó khăn. Nguyên do của tình trạng bất ổn đó rất đa dạng, từ tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, đến ly khai, xung đột tôn giáo, sắc tộc. Cạnh tranh về lợi ích, ảnh hưởng giữa các nước càng làm cho tình hình một số nơi thêm phức tạp.

Ngoài các vấn đề nan giải đã kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ chưa có giải pháp, HĐBA đã phải đàm thảo,  xử lý một loạt vấn đề mới nảy sinh có độ nhạy cảm cao do có sự bất đồng, mâu thuẫn lợi ích giữa nhiều nước, nhiều nhóm nước như vấn đề Myanmar, vấn đề Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập,  vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề chống cướp biển tại vùng biển Somalia và gần đây là vấn đề Zimbabwe. Chúng ta đã bắt kịp nhanh với tính chất phức tạp, cường độ làm việc cao và khẩn trương, tham gia tích cực mọi hoạt động của HĐBA. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt trọng trách là Chủ tịch Ủy ban 1132 về Sierra Leone, Phó Chủ tịch các Ủy ban 1533 về Cộng hòa Dân chủ  Congo, Ủy ban 1636 về Lebanon và Ủy ban Chống Khủng bố.

Trong quá trình tham gia công việc của  HĐBA, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc đề cao các nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.  

Trong vấn đề Myanmar, Việt Nam ủng hộ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc và ASEAN, với Chính phủ Myanmar để thúc đẩy đối thoại và hòa giải dân tộc, đồng thời kiên trì quan điểm vận mệnh của Myanmar phải do Chính phủ và nhân dân Myanmar tự quyết định, LHQ cũng như cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ giải quyết thông qua vai trò trung gian, hòa giải nhưng không thể làm thay.

Tương tự như vấn đề Myanmar, trong khi chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân đạo khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đời sống nhân dân tại Dafur (Sudan),  tại Zimbabwe gần đây, kể cả tình hình khó khăn bắt nguồn từ sự bất ổn về chính trị của các nước này, ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhất là các hoạt động trong khuôn khổ LHQ và các tổ chức khu vực đóng góp giải quyết  tình hình, Việt Nam đề cao và cương quyết bảo vệ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền, không chính trị hóa vấn đề.

Về vấn đề Kosovo, Việt Nam phản đối hành động đơn phương tuyên bố độc lập, coi đó là một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, yêu cầu HĐBA hành động phù hợp với tinh thần Nghị quyết 1244 được HĐBA thông qua tháng 6/1999, theo đó quy chế mới cho tỉnh Kosovo thuộc Serbia phải được quyết định thông qua thương lượng và được sự nhất trí của tất cả các bên liên quan. Trong khi chưa có một giải pháp thương lượng,  ta yêu cầu các bên phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Serbia. Đây cũng là lập trường được nhiều nước ủng hộ.

Liên quan chương trình hạt nhân của Iran, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng quyền của các quốc gia được phép phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời chống phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua hợp tác, đối thoại, chống việc áp dụng các biện pháp trừng phạt không chính đáng, cản trở các hoạt động kinh tế, giao thương bình thường của Iran với các quốc gia liên quan.

Trong quá  trình thương lượng các biện pháp chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang ngoài khơi Somalia (trong đó các thuỷ thủ Việt Nam đã từng là nạn nhân), một mặt Việt Nam nỗ lực cùng các nước tìm ra các biện pháp hữu hiệu chống lại nạn cướp biển đang hoành hành tại đây. Mặt khác, phối hợp hiệu quả với các nước cùng quan điểm cương quyết đấu tranh đảm bảo các biện pháp này phải được sự đồng ý của Chính phủ Somalia và phải phù hợp với các quy định của luật biển và luật hàng hải quốc tế.

Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, khách quan, quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên

Quan điểm giải quyết các cuộc xung đột, tranh chấp của Việt Nam đưa ra tại HĐBA luôn được xây dựng trên cơ sở của chủ trương nhất quán và đậm tính nhân văn, ủng hộ các giải pháp thương lượng, tránh bạo lực, đối đầu, tránh thương vong, thiệt hại cho dân thường. Trong  vấn đề Trung Đông, Việt Nam thể hiện lập trường  khách quan. Trong khi tiếp tục đấu tranh ủng hộ các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine, trong đó có quyền thành lập Nhà nước Palestine độc lập trên quê hương của mình, Việt Nam phản đối và lên án tất cả các hành động bạo lực nhằm vào dân thường, kể cả dân thường Palestine, Lebanon và Israel. 

Việt Nam đặc biệt coi trọng việc trao đổi, tham vấn với các nước trong và ngoài HĐBA, xác lập và tăng cường mối quan hệ tin cậy, hiểu biết lẫn nhau với  các  nước.

Qua trao đổi và thống nhất lập trường, Việt Nam đã cùng Indonesia phát huy vai trò của hai nước thành viên ASEAN tại HĐBA trong việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho vấn đề Myanmar cùng các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế lớn, góp phần tăng cường đoàn kết và ảnh hưởng của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực có uy tín trong nền chính trị thế giới.

Việt Nam coi trọng vai trò, thường xuyên tham vấn, trao đổi với các nước lớn, qua đó tăng cường hiểu biết, xây dựng được các mối quan hệ làm việc tin cậy, thẳng thắn, cách tiếp cận, xử lý bất đồng trên tinh thần quan tâm, chiếu cố lợi ích chính đáng của nhau, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Đồng thời, tăng cường chia sẻ thông tin với các nước đang phát triển và Không liên kết trên nhiều vấn đề, đóng góp vào các nỗ lực chung hướng tới mục tiêu làm cho hoạt động của HĐBA minh bạch và dân chủ hơn. Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Điều phối viên Nhóm Không liên kết tại HĐBA trong tháng 3/2008, được các nước Không liên kết đánh giá cao. 

Thái độ hợp tác, tinh thần trách nhiệm và những đóng góp thực chất của Việt Nam đối với  công việc của HĐBA đã góp phần nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. 

Sau 6 tháng trải nghiệm đầy thách thức, chúng ta đã thể hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA, vững vàng trên cương vị mới, đóng góp tích cực vào việc giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng đối với thế giới và khu vực, bảo vệ lợi ích của ta và những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế của một  nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực vì những mục tiêu cao cả chung của cộng đồng quốc tế, củng cố sự tin cậy của các nước và niềm tin của chúng ta vào khả năng ngoại giao đa phương Việt Nam tham gia thực chất vào việc xử lý những vấn đề quốc tế quan trọng nhất. 

Kết quả này xuất phát từ đường lối đối ngoại mở cửa và hội nhập của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Đó cũng là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng hơn 10 năm, của sự tin tưởng và ủng hộ từ mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của các cấp Lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan, cũng như những nỗ lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào công việc mới mẻ này.

Từ ngày 1/7/2008, Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên (1 tháng) của cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Với tính chất phức tạp, khối lượng công việc lớn và luôn ở cường độ cao, 18 tháng còn lại với cương vị là thành viên HĐBA sẽ tiếp tục là chặng đường nhiều thách thức với Việt Nam. Trên nền tảng của chính sách đối ngoại rộng mở, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ khách quan, xây dựng, với đội ngũ cán bộ qua những thử thách ban đầu đã thể hiện bản lĩnh chuyên môn, chính trị vững vàng, và đặc biệt là với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm tốt cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, xứng đáng với niềm tin của nhân dân trong nước và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế./.

 

 

Phạm Gia Khiêm (Theo mofa.gov.vn)

(http://www.vovnews.vn/)

Các bài viết khác