Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tập trung phát triển nông nghiệp chính là phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội

31/12/2008

ND - Ngày 29-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Cùng với cả nước, năm 2008, ngành nông nghiệp phải đối phó với nhiều khó khăn thử thách như thiên tai, dịch bệnh và những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, so với năm 2007, giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản toàn ngành vẫn đạt mức 3,79%; giá trị sản lượng tăng 5,62%, vượt và về trước chỉ tiêu Ðại hội lần thứ X của Ðảng đề ra gần 1%.

Nhiều loại cây trồng đạt sản lượng cao: lương thực đạt 43,16 triệu tấn, tăng ba triệu tấn so với 2007. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 7,4 triệu ha, tăng 200 nghìn ha; sản lượng đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản lượng công nghiệp chế biến nông, lâm sản đạt mức 15%. Xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2009, nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là tập trung đối phó hiệu quả các khó khăn, thử thách, ngăn ngừa suy giảm, duy trì tăng trưởng, chủ yếu thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ nông thôn; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, giảm ô nhiễm môi trường...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp chính là phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung chỉ đạo thực hiện việc khoán rừng, giữ rừng. Phải coi trọng và hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Phát huy hơn nữa tiềm năng và nguồn lực vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao năng suất lương thực.

Ðồng thời, chủ động xây dựng kho dự trữ lương thực phục vụ nhu cầu trong nước và bảo đảm xuất khẩu. Cần quan tâm, bám sát, sớm triển khai chủ trương của Chính phủ hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất nước, thực hiện có hiệu quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội,...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác