Việt-Trung chính thức có đường biên giới đất liền lịch sử

03/01/2009

Việc hoàn tất công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ có ý nghĩa lịch sử trọng đại, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước

Tối 31/12, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và chính thức kết thúc công tác đàm phán về vấn đề này vào sáng 1/1.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bởi lần đầu tiên hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước

Trong 3 ngày từ 28 - 31/12 đã diễn ra cuộc gặp đặc biệt giữa ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Việt Nam về biên giới lãnh thổ và ông Vũ Đại Vĩ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Trung Quốc về biên giới lãnh thổ.

Tại đây, hai bên đã ra Tuyên bố chung nêu rõ: Việt Nam và Trung Quốc lần đầu tiên xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại.

Hai bên khẳng định sớm hoàn tất và ký kết Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và các văn kiện liên quan khác nhằm đưa Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt - Trung đi vào cuộc sống, khẳng định tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ để gìn giữ hòa bình, ổn định và cùng phát triển ở khu vực biên giới. Lễ chào mừng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định biên giới trên đất liền vào năm 1999, tạo điều kiện tiến hành các cuộc đàm phán về công tác phân giới cắm mốc trên thực địa từ năm 2001 và thống nhất sẽ hoàn thành trước năm 2009.

Như vậy là sau 7 năm, đúng thời hạn được lãnh đạo hai nước đặt ra, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc thực địa trên toàn tuyến biên giới trên bộ dài 1.406 km giữa hai nước với tổng cộng khoảng 2.000 mốc giới chính và phụ.

Về ý nghĩa của việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thứ trưởng Vũ Dũng cho biết: “Việc kết thúc và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt- Trung. Đây là thành tích chung của các lực lượng tham gia phân giới cắm mốc từ trung ương đến địa phương đến đồng bào các dân tộc ở các tỉnh biên giới, các xã biên giới”.

Việc hoàn tất công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị; tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.

Thành công này cũng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, cũng là sự đóng góp tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Về hai khu vực biên giới được hai nước đặc biệt quan tâm là khu vực cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc, hai bên cuối cùng cũng đã đạt được những thỏa thuận quan trọng, sau các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, hợp tác.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng cho biết: Tại Thác Bản Giốc, sau nhiều vòng đàm phán, đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, đi qua Cồn Pỏ Thong, đến điểm giữa của cột mốc chính. Hai bên cũng thỏa thuận quan trọng là không xây dựng những công trình nhân tạo để bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái.

Hai bên cũng thống nhất nghiên cứu để thúc đẩy khu du lịch thác Bản Giốc. Đây là quyết định quan trọng thúc đẩy hợp tác hai nước, đặc biệt là du lịch giữa tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và Cao Bằng của Việt Nam.

Tại Cửa sông Bắc Luân, hai bên cũng đạt được thỏa thuận về đường biên giới bắt đầu từ bãi Thục Lãm đến điểm đầu của đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ. Như vậy là bằng việc giải quyết đoạn cuối cùng ở cửa sông Bắc Luân, chúng ta đã có một đường biên giới hoàn chỉnh, do hai bên xác định, hai bên cắm mốc, bắt đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam- Lào- Trung Quốc và kết thúc ở cửa sông Bắc Luân.”

Ngoài ra, tại cửa sông Bắc Luân, hai nước cũng đạt được thỏa thuận quan trọng về đường tự do đi lại cho tàu thuyền cư dân biên giới và hai bên cũng sẽ bàn bạc để đi đến ký kết hiệp định, thỏa thuận chính phủ về vấn đề này./.

Thùy Vân

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác