Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2009

06/02/2009

Trong hai ngày 3 và 4-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2009. Trong phiên họp đầu Xuân Kỷ Sửu 2009, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, tập trung thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 1-2009.

Các thành viên Chính phủ đã nghe các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội, thị trường trong nước và xuất, nhập khẩu tháng 1-2009 do Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc trình bày; tình hình kinh tế vĩ mô tháng 1-2009 do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày; tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và tình hình thực hiện Chương trình công tác tháng 1-2009, các quyết nghị của Chính phủ từ Phiên họp thường kỳ tháng 12-2008 do   Bộ   trưởng,   Chủ   nhiệm  Văn  phòng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày; tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 1-2009.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự phiên họp đều nhất trí cho rằng, tình hình suy thoái kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Trong tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 4,4% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 8,6% so tháng 12-2008, trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 8,5% (Trung ương giảm 7,7%, địa phương giảm 11,4%); khu vực ngoài nhà nước giảm 2,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2%. Sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng, dịch lợn tai xanh tái phát, giá thu mua sữa nguyên liệu không ổn định... Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1-2009 tăng 3,3% so tháng 12-2008, nhưng giảm 11,9% so cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2009 giảm 19% so tháng 12-2008 và giảm 24% so cùng kỳ năm 2008. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm, tổng số vốn của các dự án được cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 185 triệu USD, chỉ bằng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ 0,32% so tháng 12-2008, trong đó nhóm hàng tăng cao nhất là đồ uống và thuốc lá (tăng 1,89%), đồ dùng và dịch vụ khác (tăng 1,93%), đều là các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên do tháng 1-2009 là tháng Tết cổ truyền Kỷ Sửu của dân tộc, các hoạt động thương mại trên thị trường sôi động hơn. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ ước đạt 98.482 tỷ đồng, tăng khoảng 27,1% so cùng kỳ năm 2008. Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Trong tháng 1, phát triển mới 2,25 triệu thuê bao điện thoại, tăng hơn ba lần so cùng kỳ năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục có những dấu hiệu khả quan, số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương đều giảm so năm trước.

Về tình hình đón Tết Kỷ Sửu 2009, thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường phối hợp, theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thị trường, phát hiện những xu hướng xấu để có biện pháp kịp thời ngăn chặn; tổ chức tốt việc sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm, bảo đảm đủ nguồn cung trước và sau Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 đã được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn quốc được bảo đảm ổn định tốt hơn những năm trước. Về chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo được quan tâm hơn. Thực hiện Quyết định số 81/QÐ - TTg ngày 15-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí cho người nghèo để góp phần giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, đã có 2,4 triệu hộ nghèo với hơn 10 triệu nhân khẩu được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ với tổng số khoảng 2.500 tỷ đồng. Ðây là việc làm được dư luận xã hội rất hoan nghênh, coi là một đột phá có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Chính phủ chăm lo cho người nghèo có Tết đầm ấm, thiết thực. Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước cho các đối tượng chính sách, các tỉnh, thành phố đều trích ngân sách địa phương thăm và tặng quà cho đối tượng chính sách mức bình quân từ 200 đến 500 nghìn đồng/người. Ước các địa phương trong cả nước chi quà Tết cho các đối tượng chính sách khoảng 600 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với các báo cáo của các bộ và ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng cho rằng, trong tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung triển khai tích cực, quyết liệt cụ thể hóa toàn diện, đồng bộ các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội về kinh tế, văn hóa, xã hội, phòng, chống tham nhũng, an ninh quốc phòng, đối ngoại..., nhờ đó trong tháng 1 giữ được ổn định, các mặt công tác có kết quả nhất định, nhất là việc tổ chức cho nhân dân ta đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mặc dù có một số mặt tích cực, nhưng nhìn chung nền kinh tế tiếp tục đà suy giảm, nhất là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.

Về Tết cổ truyền của dân tộc, nhờ sự quan tâm của Ðảng, nỗ lực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta đã có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm hơn, an ninh và an toàn. Tai nạn giao thông giảm, tội phạm giảm. Thủ tướng nhắc nhở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo lễ hội sau Tết sao cho thật sự có ý nghĩa, không để kéo dài, tốn kém. Thủ tướng yêu cầu các địa phương còn để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Tết kiểm điểm một cách nghiêm túc. Ðau buồn trước tai nạn thương tâm làm chết 42 người trong vụ chìm đò tại Quảng Bình ngày 25-1 (30 Tết), Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, xã Quảng Hải theo đúng thẩm quyền; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tự đề xuất hình thức kỷ luật thỏa đáng trước Thủ tướng. Chấn chỉnh việc thả đèn trời, nghiêm cấm việc thả đèn trời tự phát tại các đô thị, khu đông dân cư. Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trong dịp lễ hội sau Tết.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 2-2009, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết liệt, chủ động tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ đã đề ra, có những kiến nghị bổ sung, sửa đổi những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện. Cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể: Ðẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, dịch vụ; đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển, khẩn trương triển khai giải pháp kích cầu đầu tư, dồn vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2009 và năm 2010; tiếp tục điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá, bảo đảm cán cân thanh toán tổng thể và an toàn hệ thống với tinh thần phục vụ tốt sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Về bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo đã xác định. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các địa phương có chính sách trợ giúp mất việc làm cho người lao động. Triển khai sớm việc làm nhà ở cho người nghèo và nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho sinh viên và công nhân các khu công nghiệp tập trung.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội để có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới.

Tại Phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận về tình hình thu hút đầu tư và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba năm 2006 - 2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009 - 2010; Ðề án an ninh lương thực thực phẩm đến năm 2020; đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong đó tập trung vào tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

XUÂN THÙY

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác