Làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Vinashin cần tập trung đầu tư vào ngành nghề chính là đóng tàu và công nghiệp phụ trợ

12/02/2009

Ngày 11-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ làm việc với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tài chính của tập đoàn.

Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình đã báo cáo Thường trực Chính phủ: Sau 13 năm thành lập và phát triển, Vinashin đã tăng tổng tài sản gấp 500 lần, đưa xuống nước tám chiếc tàu và bàn giao bảy tàu 53.000 DWT. Ngoài ra, tập đoàn còn bàn giao các tàu chở hóa chất, hàng lỏng, hàng rời... cho các chủ tàu nước ngoài. Việc đưa xuống nước thành công kho nổi chứa dầu trọng tải 150.000 DWT cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đánh dấu bước tiến lớn trong công nghiệp thiết kế và đóng tàu phục vụ khai thác dầu khí trên biển. Kết quả, sản xuất kinh doanh của tập đoàn qua các năm đạt mức tăng trưởng cao: Năm 2006, doanh thu đạt hơn 11,7 nghìn tỷ đồng; năm 2007 đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng; năm 2008 đạt hơn 32,5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 453 tỷ đồng năm 2006 lên 781 tỷ đồng năm 2008... Năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới các chủ tàu nước ngoài gặp khó khăn về tài chính, tập đoàn đã chủ động đàm phán, yêu cầu chia sẻ bằng cách giãn tiến độ đóng tàu cũng như giãn thời gian thanh toán nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, gây khó khăn tài chính, nhất là thanh khoản ngắn hạn đối với các khoản nợ đến hạn phải trả tại các ngân hàng thương mại dẫn đến phát sinh nợ quá hạn... Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu, nhưng Vinashin vẫn đứng vững và phát triển, duy trì đội ngũ lao động có kỹ thuật cao, kinh doanh có lãi. Thực hiện chiến lược phát triển tập đoàn đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt, Vinashin đủ khả năng trả nợ cho những đầu tư dài hạn, tích lũy lớn về tài chính, công nghệ và lao động sau năm 2014. Ðể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tập đoàn kiến nghị Bộ Tài chính cho vay hỗ trợ để bổ sung vốn thiếu hụt trong năm 2008, giãn nợ đối với một số khoản vay và thuế VAT, hỗ trợ đào tạo nghề và ứng dụng khoa học công nghệ...

Tại buổi làm việc, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, sự phát triển của Vinashin đã khẳng định vị thế ngành công nghiệp tàu thủy của nước ta. Từ chỗ chỉ đóng được tàu hai, ba nghìn tấn, đến nay đã đóng được tàu 53 nghìn tấn và kho nổi chứa dầu trọng tải 150.000 DWT. Kết quả sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, giải quyết việc làm cho nhiều lao động... Tập đoàn đã có những điều chỉnh về mô hình công ty mẹ, công ty con, trong đó ngành nghề chính chiếm hơn 70% phù hợp yêu cầu. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư của tập đoàn còn dàn trải, việc sử dụng các nguồn vốn để đầu tư ngoài lĩnh vực chính chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ nợ cao, cơ chế tài chính chưa rõ ràng... Các thành viên Chính phủ kiến nghị, rà soát lại các công ty con trong tập đoàn, kiểm soát nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, đồng thời hoàn thiện điều lệ về cơ chế tài chính nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ để tập đoàn tiếp tục đầu tư các dự án đóng mới tàu và công nghiệp phụ trợ.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Ðảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, thực hiện nhiệm vụ này thì ngành cơ khí chế tạo là then chốt, trong đó công nghiệp đóng tàu là ưu tiên. Qua thực tiễn cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu là quyết định đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Sau 13 năm thành lập, năng lực đóng mới và sửa chữa tàu của Vinashin phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam trở thành nước có tên tuổi về công nghiệp đóng tàu. Nguồn nhân lực ngày càng trưởng thành, trình độ công nghệ được nâng cao, giải quyết việc làm cho hơn 80 nghìn lao động (chưa kể ngành công nghiệp phụ trợ), hiệu quả kinh tế cao mặc dù vốn ít, tài sản tăng 500 lần, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động nhưng giá trị sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập công nhân tăng... thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập. Ðây là những thành tựu mà Vinashin cần khẳng định và tiếp tục phát huy.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại yếu kém của tập đoàn là tình hình tài chính chưa bền vững, chưa lành mạnh, đầu tư dàn trải, cơ chế vận hành và mô hình tổ chức chưa hoàn thiện... Do vậy, tập đoàn cần khắc phục sửa chữa.

Về phương hướng hoạt động của tập đoàn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Vinashin trở thành tập đoàn kinh tế mạnh với chức năng chính là đóng tàu, vận tải biển và công nghiệp phụ trợ là nòng cốt chủ lực để ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam hội nhập, cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước và quốc tế. Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại chiến lược quy hoạch ngắn và dài hạn của tập đoàn để tính toán đầu tư cho xuất khẩu và nội địa; không mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác để dồn vốn cho các công trình trọng điểm. Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng giúp Vinashin hoàn thiện điều lệ, quy chế tài chính và tổ chức của tập đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ðặc biệt là giải quyết cơ chế tài chính, nhất là tăng nguồn vốn chủ sở hữu nhằm lành mạnh tài chính. Thủ tướng đồng ý cho phép Vinashin phát hành trái phiếu, cơ cấu nợ, đào tạo nguồn nhân lực....

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác