Quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng

07/03/2009

LTS - Ban Bí thư T.Ư Ðảng vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 9 nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong hơn hai năm qua, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xác định những giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong những năm tới, nhất là trong năm nay và cho đến Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí TRƯƠNG VĨNH TRỌNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau hơn hai năm tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí?

Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng: Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng với quyết tâm cao của Ðảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN, lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đạt được kết quả bước đầu, tạo tiền đề thuận lợi đẩy mạnh công tác PCTN trong các năm tiếp theo; trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã có bước kiềm chế. Số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong hơn hai năm qua có giảm so với trước đó. Kết quả trên đã chứng minh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội X của Ðảng, T.Ư Ðảng đã ban hành Nghị quyết T.Ư 3 là đúng đắn; phản ánh quyết tâm chính trị của Ðảng và Nhà nước ta cũng như khả năng của hệ thống chính trị trong công tác PCTN.

Nghị quyết T.Ư 3 đã được các cấp, các ngành nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện. Do vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN có chuyển biến tích cực; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hệ thống các văn bản thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 3 và Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để đưa Nghị quyết T.Ư 3 vào cuộc sống. Bộ máy các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị. Công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng được tăng cường. Các hành vi tham nhũng được xử lý nghiêm hơn cả về kỷ luật đảng, xử lý hành chính và hình sự; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng đã được xử lý dứt điểm. Các cơ quan báo chí và truyền thông có nhiều nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp, góp phần thúc đẩy công tác PCTN đạt được nhiều kết quả. Chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật sau đây:

Một là, công tác tuyên truyền, giáo dục và truyền thông về PCTN được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục báo chí; đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Chế độ thông tin về việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng đã được thực hiện ngày càng đúng quy định của pháp luật. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác này đã được nâng lên.

Hai là, việc nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong PCTN được coi trọng. Các cấp ủy đảng tăng cường công tác xây dựng Ðảng, tập trung củng cố những tổ chức đảng yếu kém. Tổ chức đảng các cấp đã thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục đảng viên; nhiều chi bộ tổ chức cho đảng viên cam kết không tham nhũng, lãng phí; kiểm điểm việc chấp hành các quy định về PCTN trong sinh hoạt Ðảng. Ðông đảo cán bộ, đảng viên đã nêu cao ý thức tự tu dưỡng, giữ gìn đạo đức lối sống, gương mẫu đi đầu trong công tác PCTN.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền đã rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính công khai, công bằng, dân chủ, phục vụ đắc lực cho việc phòng ngừa tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định rõ hơn; việc xử lý trách nhiệm đối với một số người đứng đầu có tác dụng thiết thực. Một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác và kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, bộ máy và kinh phí hoạt động; qua đó đã tăng thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức. Việc trả lương qua tài khoản được thực hiện nhanh hơn so với yêu cầu.

Bốn là, cơ quan các cấp của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể đã ban hành nhiều văn bản quy định về công khai, minh bạch và tổ chức triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Năm là, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế PCTN có chuyển biến rõ nét và đạt được những kết quả đáng kể. Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến, góp phần tích cực vào phòng ngừa TN; các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được rà soát điều chỉnh và thực hiện nghiêm túc hơn. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, công sở, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách được các cấp, các ngành quản lý chặt chẽ hơn; công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chấn chỉnh đã hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả.

Sáu là, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân tố cáo các hành vi tham nhũng, lãng phí; việc xử lý được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc hơn. Công tác thanh tra, kiểm toán phục vụ PCTN được tăng cường. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng cũng được đẩy mạnh, đạt hiệu quả rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả những vụ tồn đọng từ những năm trước đây.

Bảy là, việc thành lập và hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN phát huy hiệu quả bước đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, thể hiện rõ vai trò trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công tác PCTN. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương và bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, đáp ứng các yêu cầu hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã ngày càng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Tám là, Quốc hội, HÐND các cấp đã tăng cường công tác giám sát; Quốc hội định kỳ xem xét cho ý kiến vào báo cáo về công tác PCTN của Chính phủ và thành viên của Chính phủ. Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, chất vấn về công tác này. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác PCTN.

PV: Xin đồng chí cho biết những mặt còn hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3?

Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng: Chúng ta trân trọng những kết quả bước đầu đã đạt được, nhưng cũng thẳng thắn nhận thấy tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, hiệu quả công tác PCTN còn thấp. Công tác PCTN trong hai năm qua còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém biểu hiện ở:

Việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động trong công tác PCTN còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy chưa nhìn thẳng vào thực trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra ở địa phương, đơn vị mình. Việc thực hiện các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác PCTN ở không ít địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc; việc vận dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức quyền còn yếu kém. Công tác kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chủ động, chưa thường xuyên; việc phát hiện tham nhũng của cơ quan quản lý cấp trên; phát hiện thông qua hoạt động giám sát và tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra trên thực tế. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN ở nhiều nơi còn lúng túng. Sự phối hợp của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là: Thứ nhất là, do cơ chế, chính sách còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Thứ hai là, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu kém; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy trong công tác PCTN. Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng như điều kiện vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ PCTN. Thứ ba là, đối tượng tham nhũng hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

PV: Xin đồng chí cho biết, chúng ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ  và giải pháp nào để từ nay đến Ðại hội XI của Ðảng "ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí" như mục tiêu Nghị quyết T.Ư 3 đã đề ra?

Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng: Theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 9, về công tác PCTN, chúng ta phải quyết tâm tạo bằng được chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; khẩn trương hoàn thiện về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN; quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng; phải làm cho ở lĩnh vực nào có tham nhũng thì ở đó tham nhũng phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.

Chúng ta cần nỗ lực thật cao thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 và nội dung về PCTN theo  tinh thần Nghị quyết T.Ư 9 (khóa X), Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chú trọng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định cụ thể về PCTN. Kịp thời biểu dương những điển hình tốt, các kinh nghiệm hay về PCTN; tạo dư luận xã hội rộng rãi lên án những hành vi tiêu cực, tham nhũng với các hình thức phù hợp. Ðưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm lãnh đạo toàn diện của Ðảng đối với công tác PCTN. Từng cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các quy định của Ðảng, Nhà nước về PCTN; tổ chức cho cán bộ, đảng viên cam kết không tham nhũng, lãng phí.

Ba là, chỉ đạo, đôn đốc xây dựng mới và ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế theo các chương trình, kế hoạch đã đề ra; ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020; xây dựng quy định: "thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", hoàn thiện các thủ tục để sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng... ban hành quy định về các hình thức khen thưởng, biện pháp bảo vệ mọi công dân dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng bằng các hình thức khác nhau; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để vu khống, gây rối.

Bốn là, chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai; thu, chi ngân sách; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; về minh bạch tài sản, thu nhập; việc chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Năm là, hoàn thiện hệ thống tổ chức và quy chế hoạt động của các Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Hướng dẫn, chỉ đạo các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN rà soát, lập danh mục để chỉ đạo phối hợp xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra tại địa phương.

Sáu là, tăng cường phân cấp việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng cho địa phương; đi đôi với tăng cường kiểm tra, đôn đốc giúp địa phương xử lý các vụ án tham nhũng phức tạp.

Bảy là, xác định lĩnh vực và địa bàn dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp, sử dụng tài sản công, công tác cán bộ... để tập trung thực hiện mạnh mẽ công tác PCTN. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần chủ động lựa chọn các lĩnh vực và địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo.

Tám là, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN. Tổ chức nghiên cứu, học tập, trao đổi để tiếp thu những kinh nghiệm của các nước trong PCTN. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực PCTN.

Chín là, các cấp, các ngành trước hết là các cấp ủy đảng, cần đề cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đưa công tác này thành nội dung kiểm điểm thường xuyên theo định kỳ công tác. Hằng năm, UBND các cấp phải báo cáo với HÐND cùng cấp tình hình và kết quả đã đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm về công tác PCTN.

Tình hình khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới tác động xấu đến kinh tế nước ta, đang đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đề phòng lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ phát triển hợp lý và bền vững. Vì vậy, chúng ta triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết T.Ư 3, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTN là trực tiếp góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách do Nghị quyết T.Ư 9 đã đề ra. Và quan trọng hơn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTN là trực tiếp góp phần thực hiện nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; là tiếp tục tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước để chúng ta vững bước tiến lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

 

PHẠM ÐẠO (thực hiện)

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác