HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND CẦN ĐẶT TRONG TỔNG THỂ CÁC MỐI LIÊN HỆ

18/12/2023

Theo Ths. NCS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, VPQH, việc hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND cần phải đặt trong tổng thể các mối liên hệ, không thể chỉ xem xét pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách độc lập. Từ việc xác định các mối quan hệ này với mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát, tiêu chí hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách phù hợp.

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, theo Báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 cho thấy, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong nguyên nhân khách quan có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân

Phóng viên: Qua nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, bà có đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian qua?

Ths. NCS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Công tác đại biểu, VPQH: Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân, thể hiện vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tại địa phương.

Trong những năm qua, việc thực hiện giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần cùng chính quyền địa phương các cấp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa đất nước ta như Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới....Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Theo đó, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,… Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình thực thi pháp luật thì hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn còn những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương.

Ths. NCS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Phóng viên: Vậy đâu là những hạn chế của pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân hiện hành ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai hoạt động này, thưa bà?

Ths. NCS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Công tác đại biểu, VPQH: Một số hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Cụ thể:

Về đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND giám sát hoạt động của “UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp”. Tuy nhiên, tại điểm đ, khoản 1 Điều 5 quy định: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp”. Theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp. Do vậy, đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh không phải là “Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh” nên không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Như vậy, trên thực tế, trong giám sát hoạt động của “cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” trên địa bàn, đại biểu HĐND tỉnh không thể thực hiện chất vấn đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh vì không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 5.

Về đối tượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh: Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh là “giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương” và được cụ thể hoá hơn tại điểm b, khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND như sau “Thường trực HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và HĐND cấp dưới...”. Tuy nhiên, Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình”.

Như vậy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định Thường trực HĐND tỉnh có thẩm quyền giám sát hoạt động TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nhưng chỉ được quyền yêu cầu giải trình đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND mà không quy định đối với Thủ trưởng “Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” là chưa thực sự phù hợp và không thống nhất.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 7 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan”. Quy định này còn khá chung chung về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát của cơ quan giám sát dẫn đến quá trình áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Phóng viên: Với những bất cập được phân tích như trên, bà có đề xuất gì nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân?

Ths. NCS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Công tác đại biểu, VPQH: Việc hoàn thiện pháp luật giám sát của HĐND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW; Quy định thẩm quyền của HĐND tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao…Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND cũng cần phải đặt trong tổng thể các mối liên hệ, không thể chỉ xem xét pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách độc lập. Từ việc xác định các mối quan hệ này với mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát, tiêu chí hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách phù hợp.

Những quan điểm chính về hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND là: Phù hợp định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; Bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND; Tiếp thu có chọn lọc pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và hoạt động giám sát của HĐND, kinh nghiệm giám sát của cơ quan dân cử địa phương một số nước trên thế giới; Phù hợp với xu hướng phát triển pháp luật hoạt động giám sát của HĐND.

Về kiến nghị cụ thể, đề nghị quan tâm sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau:

Thứ nhất, bổ sung thêm đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, tại điểm đ khoản 1 Điều 5 đối với “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp” nhằm đảm bảo giám sát toàn diện đối với hoạt động cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng giải trình. Qua thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi thuộc thẩm quyền của thủ trưởng một số cơ quan như: Bảo hiểm xã hội, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố cần thiết phải thực hiện giải trình về “vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm” song thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ thuộc đối tượng “tham gia giải trình” chứ không phải đối tượng “giải trình” chính. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 72 theo hướng: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cá nhân có liên quan giải trình và tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm”.

Thứ ba, cần quy định mốc báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát tính từ thời điểm nào. Việc quy định cụ thể mốc báo cáo kết quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả trình Thường trực HĐND và HĐND của Văn phòng cấp tỉnh, huyện hoặc bộ phận giúp việc của HĐND xã.

Thứ tư, cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Việc làm này vừa tạo điều kiện để đại biểu HĐND toàn tâm, toàn ý tập trung cho nhiệm vụ của người đại biểu, vừa là giải pháp để khắc phục có hiệu quả tình trạng e ngại, nể nang trong thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp thông qua việc chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.

Thứ năm, cần quy định cụ thể chế tài để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của HĐND các cấp được các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đây là khâu cuối cùng của đợt giám sát, rất quan trọng và quyết định chất lượng, kết quả giám sát. Đối với những kiến nghị đã đến thời hạn giải quyết, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị bằng hình thức trao đổi trực tiếp hoặc bằng công văn yêu cầu thực hiện. Việc này, cần có bộ phận theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát, theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận giám sát.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Lê Anh - Nghĩa Đức