XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

22/12/2023

Theo nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam, trong tình hình mới, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi Hội đồng nhân dân các cấp phải tiếp tục có những đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới, đưa lại hiệu quả thiết thực

Giám sát là một chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2026 đến nay, Hội đồng nhân dân trong cả nước có nhiều hoạt động đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác giám sát. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử địa phương.

Nghiên cứu về hoạt động này, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam cho biết, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không quy định tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát như thế nào? Tiếp đó, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 “Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội dồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân” cũng chưa có quy định tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Ths. Ngô Tự Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu 

Cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc mỗi địa phương, mỗi một đoàn giám sát khi kết thúc hoạt động giám sát có nhiều cách đánh giá khác nhau, dựa trên các tiêu chí khác nhau, không có sự thống nhất chung, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam đề xuất cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Từ kết quả triển khai thực hiện 5 hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong thời gian vừa qua, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam nêu một số tiêu chí chung để xem xét, đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân như sau:

Thứ nhất, tiêu chí đầu tiên và tiên quyết đánh giá hoạt động giám sát có thực hiện đúng và đầy đủ 3 nguyên tắc hoạt động giám sát được quy định tại Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và 5 nguyên tắc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được quy định tại Điều 3 Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hay không?

Thứ hai, các chủ thể giám sát có thực hiện đúng trách nhiệm được quy định tại các khoản 6,7,8,9,10 và 11 Điều 6 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hay không?

Thứ ba, tình hình kinh tế - xã hội, tình hình địa phương, cơ quan đơn vị có chuyển biến như thế nào sau khi có hoạt động giám sát; sự chuyển biến của người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu sau khi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Thứ tư, đánh giá kết quả cụ thể trên các lĩnh vực, các mặt công tác (những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội được giải quyết như thế nào? Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri có chuyển biến hay không? Sau khi kết thúc cuộc giám sát phải đánh giá được ưu điểm, khuyết điểm của nội dung được giám sát; nguyên nhân chủ quan, khách quan của thành tích đạt được cũng như của hạn chế, yếu kém). Đặc biệt là chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân chịu sự giám sát.

Thứ năm, đánh giá kết quả đạt được sau giám sát so với mục đích đề ra ban đầu (nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước…); những chuyển biến cụ thể trong việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm mà hoạt động giám sát chỉ ra.

Thứ sáu, đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát (thời gian, số lượng người tham gia, kinh phí…); thái độ chấp hành kiến nghị giám sát của đối tượng chịu sự giám sát thông qua việc triển khai thực hiện ngay nội dung kiến nghị hay để kéo dài, chậm triển khai?

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam cũng đề xuất một số tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng hoạt động giám sát, bao gồm: Tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát trong việc xem xét báo cáo công tác; Tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát trong việc xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn; Tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát chuyên đề;…

Trong đó, đối với tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động giám sát chuyên đề cần lưu ý một số nội dung như: Việc chọn chuyên đề giám sát có đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương hay không? Có đáp ứng các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát được quy định tại Điều 15 Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hay không?

Ngoài ra, qua giám sát có phát hiện, đánh giá được ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát hay không? Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát./.

Lê Anh