CỦNG CỐ XUẤT KHẨU, ĐẦU TƯ, TIÊU DÙNG, TẠO TÁC ĐỘNG LAN TỎA TỚI NHỮNG ĐỘNG LỰC MỚI CỦA NỀN KINH TẾ

26/02/2024

Trên các diễn đàn nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến động lực tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, cần củng cố những động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, qua đó nhân rộng lan tỏa sang những động lực mới, nhiều triển vọng phát huy phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

NỖ LỰC ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU, THỰC HIỆN MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG THEO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6

Nhìn nhận lại quá trình phát triển kinh tế trong năm 2023 và đánh giá triển vọng kinh tế năm 2024, vấn đề động lực tăng trưởng bền vững đã trở thành chủ đề nóng hổi trên các diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề này, đồng thời thu hút sự chú ý của các chuyên gia trong thời gian qua. Sự quan tâm này xuất phát từ thực tế rằng các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư vốn, xuất khẩu và lao động giá rẻ đang gặp những vướng mắc. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn, Việt Nam cần tìm kiếm những động lực mới, phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế.

Tại các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phát huy các động lực để phát triển bền vững nền kinh tế 

Trên các diễn đàn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về các động lực tiềm năng cho tăng trưởng bền vững. Theo đó, điều quan trọng cần triển khai là nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Cùng với đó, khoa học và công nghệ là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Các đại biểu cũng cho rằng, kinh tế số là xu hướng tất yếu của thế giới và là cơ hội lớn cho Việt Nam. Phát triển kinh tế số sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và tạo ra nhiều việc làm mới. Bên cạnh những động lực trên, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Việc tìm kiếm động lực tăng trưởng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với Việt Nam. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, kinh tế Việt Nam đang ở trên đà tăng trưởng nhanh nhưng những tác động từ bên ngoài và hạn chế nội tại đã và đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững hơn. Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.

TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS.Cấn Văn Lực cho rằng, cần triển khai nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu. Những động lực tăng trưởng hiện hữu như: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng vẫn luôn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng những tác động từ những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã phần nào làm suy yếu những động lực truyền thống. Do vậy, cần củng cố những động lực truyền thống này, nhân rộng lan tỏa sang những động lực mới, nhiều triển vọng phát huy phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo đó, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành như nêu trên; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, TPDN, BĐS, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng…) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, và cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh – an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, điều chuyển vốn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; tiến tới xem xét sửa đổi Luật đầu tư công và các quy định liên quan phù hợp.

Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu bao gồm: đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bởi theo đánh giá của Viện ĐT&NC BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023; kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán của Nhóm Nghiên cứu, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. HCM (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…v.v.

Thêm vào đó, tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, BĐS, lao động…; nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Theo đó, cần tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác đã ban hành (như nêu trên) cũng như chính sách hoàn thuế VAT…v.v.

Các chuyên gia cũng kiến nghị cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách: khai thác tốt hơn các FTAs đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy - chữa cháy, cung ứng điện, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…;triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước.

Đặc biệt, cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là các DNNN, dự án yếu kém, TCTD yếu kém, đầu tư công…) nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn (theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII và của Quốc Hội). Việc này đã bị chậm trễ thời gian qua do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách trước (dịch bệnh, thiên tai, suy giảm tăng trưởng…); nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện như nhiều quốc gia đang làm sau dịch bệnh, xung đột vũ trang…  

Hồ Hương